Tuy nhiên, đừng quá kỳ vọng vào tiềm năng thị trường bước vào “chu kỳ bùng nổ mới”. Trong nước, sức cung của thị trường BĐS chủ yếu vẫn dựa vào các nhà đầu tư lớn, tiềm lực tài chính mạnh; các chủ đầu tư cỡ trung bình thường đóng vai chủ đầu tư thứ cấp; các chủ đầu tư nhỏ, yếu sẽ giảm hoặc rút lui khỏi thị trường thông qua các hình thức M&A, chuyển nhượng dự án.
Đặc biệt, từ ngày 1/7/21015, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS mới có hiệu lực đã nới lỏng điều kiện và mở rộng đối tượng người nước ngoài được mua BĐS tại Việt Nam, cũng thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền vào BĐS. Nhưng thực tế, sự phát triển kinh tế của Việt Nam theo hướng hội nhập chưa kéo được các luồng vốn đầu tư nước ngoài thật mạnh. Nhìn chung, khu vực nhà đầu tư BĐS từ bây giờ cho đến thời điểm cuối năm sẽ vẫn tiếp tục sàng lọc, tái cơ cấu theo hướng chuyên nghiệp hơn, năng lực cao hơn và tiềm năng tốt hơn.
Về diễn biến thị trường, theo tôi, trong sáu tháng cuối năm, hàng hóa BĐS sẽ được chào bán khá nhiều nhưng BĐS giá rẻ cung vẫn chưa đủ so với cầu, trong khi kho BĐS thuộc phân khúc trung, cao cấp còn ứ đọng gắn với nợ xấu. Điều này cho thấy, thị trường BĐS cuối năm vẫn chưa thể bùng nổ được do cung ở khu vực trung bình và giá cao hiện nay còn tồn nhiều. Tuy nhiên, sức mua của thị trường trung và cao cấp đã có biến động theo hướng tăng lên, phục vụ nhu cầu để ở.