Hạ gục pháo đài bay B52

Bài, ảnh: Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phải hẹn đến mấy lần, chúng tôi mới có dịp gặp Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân - một trong những người trực tiếp chỉ huy trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972.

Từ lo lắng

Nếu không nghe ông tự giới thiệu, thật khó tưởng tượng Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu đã sắp bước sang tuổi 97. Bởi ông vẫn đi lại nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh. Đặc biệt là khi nhắc về kỷ niệm đánh B52 năm xưa, giọng ông càng sang sảng và đầy cảm xúc. Những ngày tháng ấy, với ông, dường như chỉ mới... ngày hôm qua.

Chập tối ngày 18/12, khoảng 18 giờ, sau khi thăm một tiểu đoàn tên lửa từ Chèm về, ông nghe tiếng ù ù như xay lúa trên đầu. Kinh nghiệm từ những năm ở chiến trường Quảng Trị giúp ông cảm nhận B52 đang vào Hà Nội. Ông giục lái xe nhanh chóng qua phà để về Sở chỉ huy Quân chủng. Đến Mai Lĩnh, xe của ông bị một chiếc F111 phóng rocket phía sau nẩy ngược lên, may không ai bị thương. Hà Nội đã báo động chiến đấu. Thành phố tắt đèn, trời tối sầm, rét đậm lại có mưa phùn. Đường phố vắng lặng, Nhân dân đã vào hầm trú ẩn. Phía xa, những quả tên lửa và những chùm đạn pháo đang vút lên bầu trời…

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu trả lời phỏng vấn báo chí.

“Tôi về đến Sở chỉ huy lúc đó sơ tán ở chùa Trầm, Chương Mỹ khoảng 19 giờ 45 phút. Mặc dù không phải phiên trực, nhưng Tư lệnh Lê Văn Tri và Chính ủy Hoàng Phương đều có mặt cùng Phó tư lệnh Nguyễn Quang Bích trực chỉ huy. Lúc này đã có hai tốp B52 đánh phá Hà Nội, Tiểu đoàn 78 của Trung đoàn 257 và Trung đoàn 261 bắn hết 16 quả tên lửa, nhưng chưa có chiếc B52 nào rơi. Đã xuất hiện tư tưởng băn khoăn, lo lắng, thiếu tự tin ở cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hội ý và tiếp tục nhắc các đơn vị bình tĩnh, tiếp tục mở máy phát sóng bắn B52 như tập huấn ngày 23/11. Quả nhiên sau đó hiệu suất chiến đấu của các đơn vị cao hơn. Tin vui bắt đầu báo về” - Trung tướng Mậu kể.

Đến niềm vui vỡ òa

20 giờ 13 phút ngày 18/12, sau khoảng 30 phút hoành hành trên bầu trời Hà Nội, chiếc máy bay B52 với phù hiệu “Nắm đấm thép và tia chớp” đã bốc cháy trên bầu trời và rơi tại chỗ ở cánh đồng Chuôn thuộc xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn. Đó là chiếc B52 đầu tiên bị bắn cháy và rơi tại chỗ ngay trong ngày đầu tiên không quân Mỹ tấn công Hà Nội. Chiến công đó là của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261, Sư đoàn 361 đóng tại trận địa Cổ Loa, Đông Anh với Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng và Chính trị viên Vũ Văn Dương cùng kíp chiến đấu Dương Văn Thuận, Nguyễn Văn Linh, Lê Xuân Tư, Nguyễn Văn Độ. Trong đêm đầu tiên đánh trả cuộc tập kích bằng siêu pháo đài bay B52, 64 quả tên lửa được phóng lên bầu trời, hạ được 3 máy bay B52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ.

“Nhận được tin Tiểu đoàn Tên lửa 59 bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên ở Phù Lỗ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp yêu cầu Tư lệnh và Chính ủy Đoàn Phòng không Hà Nội kiểm tra lại thật kỹ lưỡng. Sau khi nghe báo cáo chính xác, Đại tướng quay sang thông báo tin vui cho các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đang có mặt ở sở chỉ huy của Bộ. Rồi qua “đường dây nóng”, Đại tướng đã biểu dương cán bộ, chiến sỹ Đoàn Phòng không Hà Nội, đặc biệt là bộ đội tên lửa đánh giỏi, lập công đầu xuất sắc” - Trung tướng Mậu nhớ lại.

Tuy nhiên, đêm 19/12 hiệu suất chiến đấu thấp, do Mỹ đã thay đổi cách đánh và tăng cường gây nhiễu. Các đơn vị bắn hơn 30 quả tên lửa, rơi hai B52, nhưng không có chiếc nào rơi tại chỗ. Đồng chí Văn Tiến Dũng gọi điện xuống, rất thẳng thắn và quyết liệt, phê bình quân chủng đánh không chắc tay, hiệu suất kém, cần phải nghiên cứu lại cách đánh. Chấp hành chỉ thị của Tổng Tham mưu trưởng, xuống các đơn vị tìm hiểu, thì ra nhiễu nặng quá, màn hình sáng không bắt được mục tiêu, do đó bắn theo phương pháp “ba điểm” không có kết quả. Quân chủng rút kinh nghiệm, bố trí nhiều tiểu đoàn bắn vào một điểm. Hiệu suất chiến đấu tăng dần, cho đến đêm 26/12 thì B52 của Mỹ rụng đến 8 chiếc. B52 cháy sáng rực cả bầu trời Hà Nội. Với Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu và đồng đội, những khoảnh khắc ấy thật hào hùng, không bao giờ quên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần