Những động thái ấy trong bối cảnh hai cặp quan hệ này đang căng thẳng và gay cấn cũng như tình hình chính trị an ninh ở cả khu vực tiếp tục diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, nhạy cảm và đối địch hơn trước đều là dấu hiệu thể hiện thiện chí theo hướng giảm căng thẳng và đối đầu. Nhật Bản lo ngại về việc Trung Quốc không ngừng tăng cường tiềm lực quân sự và về cách hành xử mới đây của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản. Hàn Quốc lo ngại về chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, đặc biệt sau khi Triều Tiên phóng thành công tên lửa đẩy vệ tinh. Có thể thấy so với trước, môi trường chính trị an ninh ở khu vực đã thay đổi rất đáng kể đối với cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc. Vì những vấn đề mới đặt ra đối với cả hai về chính trị an ninh đều thuộc diện họ không có đủ khả năng tự giải quyết, hơn nữa còn liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đến cả một số đối tác khác, nên định hướng đối sách của những người tới đây sẽ lên cầm quyền ở đó rất giống nhau.
Một mặt, họ không thay đổi những quan điểm mang tính nguyên tắc lâu nay trong chính sách đối ngoại. Họ chưa nhượng bộ cho phía bên kia mà thậm chí còn sẵn sàng ăn miếng trả miếng. Họ sẽ tiếp tục tăng cường tiềm lực quân sự theo hướng đẩy mạnh vũ trang, hiện đại hoá vũ khí và thiết bị quân sự, đồng thời đẩy mạnh hợp tác, liên minh, liên kết quân sự và an ninh song phương với Mỹ và ba bên với nhau.
Mặt khác, họ chủ động hạ hoả và kéo phía bên kia đi vào đối thoại. Có thể coi đó là một cách tiếp cận mới. Chỉ cần giảm được căng thẳng và đối địch chứ chưa cần mở ra triển vọng giải pháp thì cũng đã đủ để họ có được kết quả mới về đối ngoại và an ninh. Luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống và diễn biến có thể xảy ra đồng thời chủ động làm thay đổi thực tại sẽ chỉ có lợi cho họ về mọi phương diện chứ đâu có mất hay bị tác hại gì.