Kinhtedothi - Ngày 6/3, Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến chủ trì hội thảo khoa học với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa ở Thủ đô trong 30 năm đổi mới” và “Những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng, phát triển con người ở Thủ đô trong quá trình 30 năm đổi mới”.
Quang cảnh hội thảo.
Tại hội thảo, rất nhiều ý kiến tâm huyết mang tính nhìn nhận, phân tích, gợi mở đã được nêu ra nhằm đánh giá rõ hơn về văn hóa và xây dựng, phát triển con người ở Thủ đô trong giai đoạn 30 năm đổi mới. Theo GS.TS Trần Văn Bính, từ sau đổi mới, đặc biệt từ sau Nghị quyết T.Ư 5 về văn hóa, văn hóa Thủ đô vẫn nằm trong tốp các địa phương có trình độ cao về dân trí, về bảo vệ tôn tạo các di sản văn hóa của lịch sử, về xây dựng văn hóa ở các khu dân cư. Hơn bất cứ địa phương nào khác, Hà Nội có một đội ngũ lớn các trí thức văn nghệ sĩ mà sự nghiệp sáng tạo của họ đã được khẳng định. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa xây dựng được văn hóa đô thị, văn hóa công sở. Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống khá nghiêm trọng nhưng chưa có biện pháp khắc phục. Tội phạm xã hội vẫn gia tăng, môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái vẫn bị ô nhiễm…
Phân tích ở khía cạnh khác, TS Nguyễn Ngọc Mai, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng Hà Nội có một vốn về di sản văn hóa vô cùng to lớn để vẫn và sẽ làm nên giá trị của một Thủ đô văn hóa mà vẫn giàu có, thịnh vượng, nhưng những năm qua, Hà Nội lại mải miết đi tìm và vất vả kiến tạo bóng dáng của một “Thủ đô kinh tế”.
Các đại biểu cũng lưu ý những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển văn hóa ở Thủ đô. Đó là mức độ và hiệu quả gắn kết giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng; sự ô nhiễm môi trường văn hóa, sự thoái hóa đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; sự thiếu đồng bộ, chậm trễ trong xây dựng thể chế, chính sách phát triển văn hóa, nguồn lực đầu tư cho con người; sự chênh lệch ngày càng lớn về đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, các vùng miền trên địa bàn Thành phố; công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh kết quả chưa tương xứng…
Các đại biểu cũng đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện phát triển văn hóa trong thời gian tới. Các đại biểu nhấn mạnh đến việc tiếp tục triển khai thực hiện 4 nhóm giải pháp của Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) và 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình số 04 của Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XV) về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2011 - 2015". Trong đó, mục tiêu chính là tập trung tạo chuyển biến rõ nét về môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người Hà Nội thanh lịch văn minh; kiến tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu Thăng Long – Hà Nội…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn của các nhà văn hóa, nhà khoa học. Bên cạnh đó là những giải pháp cụ thể để giúp TP hoàn thiện hơn báo cáo đánh giá về 30 đổi mới tại Thủ đô; đồng thời từng bước xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Nội thanh lịch văn minh.