Hà Nội bảo đảm cung ứng nông sản trong tình hình mới

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo đảm nguồn nông sản cho người dân Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, đòi hỏi ngành nông nghiệp và các địa phương cần chủ động, linh hoạt trong xây dựng, thực hiện các phương án sát với tình hình thực tế.

Không để sản xuất đứt gãy, đình trệ

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có hơn 5.000ha sản xuất rau an toàn, trong đó có 45 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) với tổng diện tích hơn 1.800ha. Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ biến động, nhưng ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang triển khai các giải pháp nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung, không để hoạt động sản xuất rau bị đứt gãy hoặc bị đình trệ trong thời gian dịch Covid-19. Nhất là không để xảy ra nguy cơ khan hiếm nguồn rau xanh kể cả trong thời điểm sau khi dịch bệnh được khống chế và dịp cuối năm.

Nông dân xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức vào vụ sản xuất rau mới. Ảnh: Ngọc Ánh

Nếu như trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 24/7), toàn TP đã có hơn 50 cơ sở giết mổ phải tạm ngừng hoạt động, sản lượng thịt đưa ra thị trường tiêu thụ giảm khoảng 20 - 35% thì đến nay nhiều cơ sở giết mổ đã hoạt động trở lại. Đặc biệt, 2 cơ sở giết mổ lớn của TP - lò mổ Minh Hiền (Bích Hòa, Thanh Oai) và lò mổ Thịnh An (Vạn Phúc Thanh Trì) - đang xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trình địa phương phê duyệt để sớm mở cửa trở lại trong vài ngày tới.

Tại vựa rau Kim An, huyện Thanh Oai, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Kim An Đỗ Hùng Cường cho biết, việc sản xuất và tiêu thụ rau của người dân diễn ra thuận lợi. Các điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, chợ đầu mối phía Nam hoạt động trở lại giúp lượng rau được tiêu thụ tốt. Các hộ dân trong HTX cũng đang đẩy mạnh việc sản xuất những giống rau ngắn ngày, bảo đảm nguồn cung liên tục.

Bên cạnh đó, một số diện tích đã làm đất sẵn sàng xuống giống rau cho vụ Thu và vụ Đông sắp tới. "Hiện tại, chỉ còn một khó khăn là việc vận chuyển rau của người dân diễn ra liên tục, trong khi mỗi lần di chuyển đều phải tiến hành test nhanh Covid-19 nên chi phí khá tốn kém. Nếu được hỗ trợ test nhanh Covid-19 miễn phí, người trồng rau sẽ giảm bớt được một phần gánh nặng, việc đưa rau đi tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn” - ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Còn theo Giám đốc Công ty CP Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan, nhằm thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và chỉ thị phân vùng mới của TP, công ty đã tăng công suất hoạt động lên 30% so với thời điểm trong thời gian giãn cách xã hội trước đó. Hiện, mỗi ngày cung ứng ra thị trường 6 – 10 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt gia cầm (gà, ngan, vịt, chim câu…). Việc tiêu thụ rất suôn sẻ khi công ty thực hiện kết nối với công ty Ngôi Sao Xanh để đưa hàng vào hệ thống siêu thị Metro trên địa bàn TP. Ngoài ra, công ty còn kết nối với khách hàng lẻ qua các nhóm Zalo, Facebook và xây dựng đội ngũ vận chuyển hàng giao hàng đến tận ngõ cho khách hàng. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ cũng như doanh thu của công ty đang dần phục hồi, đạt khoảng 50% so với thời điểm khi đợt dịch thứ 4 chưa bùng phát.

Bảo đảm nguồn nông sản, thực phẩm trong mọi tình huống

Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với địa phương, đặc biệt là các HTX, DN xây dựng phương án sản xuất; đồng thời, cung cấp thông tin về số lượng các mặt hàng nông sản để điều tiết kịp thời, tránh tình trạng ùn ứ cục bộ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin, huyện đã có văn bản yêu cầu 23 HTX nông nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng kịch bản sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Trong đó, tập trung trồng luân canh các giống rau ngắn ngày và chuẩn bị nguồn giống gia súc, gia cầm để tăng đàn vật nuôi... từ đó tăng nguồn cung nông sản, đảm bảo nhu cầu về lương thực thực phẩm cho người dân địa phương cũng như sẵn sàng cung ứng cho các quận nội thành.

 Sơ chế gia cầm tại dây chuyền giết mổ bán công nghiệp của Công ty CP Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ngọc Ánh

Đáng chú ý, nhằm khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu người dân Thủ đô trong mọi tình huống, ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng phương án sản xuất tại các “vùng xanh”, “vùng đỏ” theo Chỉ thị 20/CT-UBND của UBND TP.

Cụ thể, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, đối với “vùng xanh”, địa phương triển khai các giải pháp ổn định sản xuất,  động viên người dân tích cực gieo trồng, chăm sóc rau màu theo đúng kỹ thuật. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản, phối hợp với đơn vị chức năng nắm vững tình hình tiêu thụ sản phẩm để có kiến nghị giải pháp kịp thời. Cùng với đó, rà soát các điều kiện cho vụ Đông, mở rộng sản xuất các loại rau xanh, chủ động nguồn cung thực phẩm cho TP.

Tại các “vùng đỏ”, công tác phòng, chống dịch bệnh được đặt lên hàng đầu. Để chủ động cung cấp thực phẩm tại chỗ và không làm gián đoạn chuỗi cung cấp thực phẩm chung của TP, các địa phương cần chủ động triển khai giải pháp để người sản xuất không thuộc diện cách ly y tế có thể ra đồng chăm sóc, thu hoạch nông sản và phải bảo đảm đúng nguyên tắc phòng, chống dịch. Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp cần chủ động rà soát, tham mưu với chính quyền địa phương hình thành các nhà sơ chế, kho bảo quản tạm thời (do xã, thôn, hợp tác xã thiết lập, quản lý) để đưa rau, củ, quả tươi thu hoạch trên địa bàn vào bảo quản và cung ứng tại chỗ cho người dân trong vùng bị  cách ly y tế.

“Hiện nay, tất cả các huyện đều đã thành lập tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản. Sở cũng đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, kết nối với Sở Công Thương hỗ trợ đưa sản phẩm đến các điểm trung chuyển đã được phê duyệt” – ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp Sở NN&PTNT 21 tỉnh, TP tổng hợp danh sách 644 cơ sở đầu mối nông, lâm, thủy sản cho thị trường Hà Nội để Sở Công Thương cung cấp cho các đơn vị siêu thị, điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn khai thác nguồn cung hàng hóa. Đồng thời, đôn đốc 835 DN sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc thẩm quyền quản lý của ngành nông nghiệp tăng cường thu mua, dự trữ nguồn nguyên liệu (ít nhất bằng 3 lần bình thường) theo yêu cầu của UBND TP.