Hà Nội: Bao giờ hết lo mưa lớn là ngập?

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song điệp khúc “cứ mưa là ngập” trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là những trận mưa lớn, khiến nhiều người dân hễ mưa là lại lo ngay ngáy. Song, theo một số chuyên gia, đây là điều khó tránh khỏi trong hoàn cảnh hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa.

 Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xử lý úng ngập trên phố Tràng Tiền sau trận mưa chiều 17/8. Ảnh: Phạm Tùng
Quá tải khi mưa lớn
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước), các cơn mưa lớn diễn ra trong ngày 17/8 đã khiến nhiều tuyến đường của Thủ đô bị úng ngập. Cụ thể, cơn mưa đợt 1 tập trung từ 15 giờ 50 - 16 giờ 50 với lượng mưa từ 40 - 80mm, tập trung tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa đã gây ngập các phố Bùi Xương Trạch, Hoàng Tích Trí, Trần Thánh Tông, Lê Duẩn, đường Hoàng Mai, Trần Cung, Thụy Khuê, Thợ Nhuộm, Bát Đàn, Đường Thành, Nhà Hỏa, Đinh Liệt, Cao Bá Quát, ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt...
Thời điểm 17 giờ 30 cùng ngày, trên địa bàn TP tiếp tục có mưa đợt 2, cường độ mưa lớn kéo dài đến 17 giờ 50 xuất hiện thêm điểm ngập Đường Thành - Hàng Nón, Nguyễn Trường Tộ - Phan Huy Ích, Quang Trung - Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái. Đến 19 giờ còn một số điểm đọng nước như Liên Trì, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt. Chị Nguyễn Thanh (nhà ở đường Nguyễn Tuân) cho biết, do có công việc phải giao dịch trên phố Nguyễn Hữu Huân, lúc ra về tầm hơn 18 giờ, chị và xe mắc kẹt gần 1 giờ đồng hồ trên tuyến đường Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Trần Phú.
"Đường vừa bị ngập, vừa tắc. Nhưng chia sẻ với mấy người bạn, họ bảo tôi vẫn còn may, vì đoạn Trần Quốc Toản - Quang Trung còn bị ngập tới đầu gối, xe chết máy hàng loạt"- chị Thanh nói.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Võ Tiến Hùng cho biết thêm, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận với diện tích khoảng 300km2, hệ thống thoát nước chủ yếu là hệ thống thoát nước chung, được phân chia thành 3 khu vực chính gồm: Lưu vực sông Tô Lịch (77,5km2); lưu vực sông Nhuệ (110km2) và lưu vực sông Cầu Bây - đoạn qua quận Long Biên (62km2)…
Trong đó, lưu vực sông Tô Lịch sẽ chịu trách nhiệm tiêu thoát nước cho quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân theo chế độ bơm cưỡng bức (qua trạm bơm Yên Sở 90m3/s) kết hợp với tự chảy qua đập Thanh Liệt vào mùa mưa.
Lưu vực sông Nhuệ chịu trách nhiệm tiêu thoát nước cho các khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và một phần quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì theo chế độ bơm cưỡng bức ra sông Đáy (qua trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/s), sông Hồng (qua trạm bơm Liên Mạc 170m3/s) kết hợp tự chảy qua sông Tô Lịch (qua đập Thanh Liệt). Lưu vực sông Cầu Bây (đoạn qua quận Long Biên), hệ thống thoát nước theo quy hoạch hoạt động theo chế độ bơm cưỡng bức ra sông Đuống (qua trạm bơm Gia Thượng 10m3/s), sông Hồng (qua trạm bơm Cự Khối 55m3/s).
"Đối với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ thì Hà Nội sẽ không xảy ra ngập úng, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố. Tuy nhiên, đối với các trận mưa có cường độ trong khoảng từ 50 - 100mm/2h, Hà Nội vẫn còn tồn đọng 16 điểm úng ngập. Sở dĩ xảy ra tình trạng này, nguyên nhân không nhỏ là do hệ thống thoát nước chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Tuy nhiên, đây là việc cần phải có thời gian, nên tình trạng ứ đọng nước trên mặt đường là điều khó tránh khỏi kể cả ở các đất nước có hệ thống thoát nước hiện đại" - ông Võ Tiến Hùng lý giải.
Cần có sự chung tay của xã hội
Trao đổi về giải pháp hạn chế úng ngập cho Hà Nội khi mưa lớn, ông Võ Tiến Hùng cho biết, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất, chất lượng và kết quả công tác duy tu, duy trì, đặc biệt là công tác duy trì hệ thống cống ngầm, cống ngang, ga thu để đưa nhanh nước về nguồn tiêu, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng như Thanh tra Xây dựng, kiểm tra chặt chẽ các công trình đang thi công nhằm kiểm soát thực hiện thỏa thuận thoát nước. Hoàn thiện báo cáo công tác kiểm soát xả thải chống úng ngập, bảo vệ môi trường…
Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh, nếu chỉ trông chờ vào nỗ lực của các đơn vị chức năng để hạn chế tình trạng úng ngập ở Hà Nội là chưa đủ, để làm được điều này rất cần có sự chung tay, góp sức của mỗi người dân, gia đình, cơ sở kinh doanh. Bởi hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sửa chữa, rửa xe hàng ngày đang xả thẳng một lượng nước lớn chứa dầu mỡ vào hệ thống thoát nước chung của TP, khiến nước khó tiêu thoát, gây úng ngập cục bộ và ô nhiễm môi trường nước sông, hồ.
"Trước thực trạng trên, đơn vị đã tham mưu cho TP cho phép nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm tách dầu mỡ để lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Đến nay, đã có 120 cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm các nhà hàng, bếp ăn tập thể của các cơ quan, trường học, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng xe; khoảng 250 hộ gia đình và hộ kinh doanh nhỏ lẻ lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ. Tuy nhiên, đây vẫn là con số quá nhỏ so với lượng dầu mỡ phát thải hàng ngày chảy vào hệ thống thoát nước chung"- ông Võ Tiến Hùng cho biết.
Bàn về vấn đề nêu trên, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận, trong những năm qua, hệ thống thoát nước của TP Hà Nội đã từng bước được cải tạo nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa nhanh tại Thủ đô. Để nâng cao năng lực thoát nước, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần xem xét điều chỉnh bổ sung dự án thoát nước. Đồng thời, chú trọng khả năng kết nối với các khu dân cư và hệ thống thoát nước nhỏ, thường xuyên được nạo vét, làm sạch hồ để nâng cao hiệu quả thẩm thấu và điều hòa…

Để nâng cao hiệu quả tiêu thoát nước, hạn chế tối đa tình trạng úng ngập, các hộ dân, đặc biệt là các hộ dân mặt phố cần hạn chế tối đa việc đặt tấm chắn, vật cản trên hệ thống thoát nước, đặc biệt là các ga thu nước để không làm ảnh hưởng đến việc thu nước khi mưa, giảm thiểu khả năng xảy ra úng ngập cho khu vực. Những hành động trên dù là nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa lớn rất lớn trong việc nâng cao khả năng tiêu thoát nước, phòng chống úng ngập ở Thủ đô.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng

Trong năm 2020, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đặt mục tiêu đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu và các trạm bơm đầu mối, bảo đảm thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày tại khu vực đã được cải tạo theo dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, giảm thiểu tối đa ngập úng ở các khu vực khác trên địa bàn quản lý. Tăng cường cơ giới hóa, hiện đại hóa, tin học hóa nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước phòng, chống úng ngập.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần