Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội cần hơn 45.000 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống đê điều

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa xây dựng quy hoạch hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo tính toán của UBND TP Hà Nội, tổng nguồn vốn thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống đê điều và phòng chống lụt bão đến năm 2030 hơn 45.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho giai đoạn 2014 - 2020 là 9.346 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 trên 18.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 17.640 tỷ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu từ ngân sách thành phố đầu tư hàng năm và các nguồn vốn huy động khác.

Từ nguồn vốn đầu tư tương đối lớn này, Hà Nội có thể kiên cố hóa được nhiều tuyến đê vốn được xây dựng từ hàng chục năm trước, hiện đang xuống cấp, hư hỏng, thường xuyên xảy ra sạt lở..

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hệ thống đê điều Hà Nội gần 800km, trong đó có 626,124km đê đã được phân cấp; 136 kè với tổng chiều dài 167km bảo vệ bờ sông; 190 cống dưới đê; 234 cửa khẩu qua đê; 367 điếm canh đê; 84 kho, bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão; 297 giếng giảm áp; 17 trụ sở hạt quản lý đê; 2 công trình đầu mối phân lũ là Vân Cốc và Đập Đáy. Đặc biệt, Hà Nội có 37,709km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt bảo vệ trực tiếp cho khu vực trung tâm thành phố.

Hệ thống đê Hà Nội hình thành, phát triển qua nhiều thế hệ, hàng năm thường xuyên được đầu tư tu bổ, nâng cấp, đã phát huy tốt vai trò phòng chống lụt bão bảo vệ Thủ đô, đặc biệt qua thử thách với các trận lũ lớn có tính lịch sử như lũ các năm 1945, 1969, 1971, 1996. Tuy nhiên, hiện tại trên hệ thống đê điều Hà Nội còn nhiều tồn tại: Đê chủ yếu đắp bằng đất, có nhiều điểm cong gấp, thắt hẹp cục bộ; một số đoạn chưa đủ cao trình chống lũ thiết kế, mái đê dốc, mặt cắt để nhỏ; mặt đê được cứng hoá nhưng chỉ chịu được tải trọng nhẹ, một số tuyến đê chưa được cứng hoá; thân đê có nhiều ẩn hoạ, địa chất nền đê yếu; hầu hết các cống dưới đê xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, hư hỏng; bờ, bãi thường xuyên xảy ra sạt lở...

Để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Chiến lược phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ của từng tuyến sông có đê, thích ứng với biến đổi khí hậu, cần phải quy hoạch hệ thống đê điều trên địa bàn thành phố, làm cơ sở cho việc quản lý, bảo vệ, đầu tư tu bổ, nâng cấp bảo đảm tuyện đối an toàn đê điều trong phòng chống thiên tai, lụt bão, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, xây dựng, phát triển đô thị, bảo đảm đời sống nhân dân.