Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Cần ưu tiên gì để tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả ở địa bàn Đông Anh?

Vân Hằng thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đông Anh được trao trọng trách là đô thị trung tâm mở rộng về phía Bắc. Thế nhưng quá trình phát triển đô thị tại Đông Anh diễn ra tương đối chậm. Liên quan đến vấn đề này, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với TS, KTS Nguyễn Trúc Anh - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.

 TS, KTS Nguyễn Trúc Anh - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.
Mới đây, thông tin “siêu đô thị thông minh” trục Nhật Tân – Nội Bài nhiều khả năng khởi công trong tháng 8/2018 đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô – địa bàn huyện Đông Anh không?

- Theo định hướng quy hoạch chung, khu vực Bắc Sông Hồng có quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 1,7 triệu dân được chia thành 4 khu vực gồm: C1- Khu đô thị (KĐT) Mê Linh - Đông Anh. C2- KĐT Đông Anh. C3- KĐT Đông Anh - Yên Viên. C4- KĐT Long Biên – Gia Lâm. Theo đó, địa bàn Đông Anh gồm toàn bộ KĐT Đông Anh (C2) và một phần các KĐT Mê Linh - Đông Anh (C1) và Đông Anh - Yên Viên (C3) và được định hướng: Tạo dựng hình ảnh đô thị mới Bắc sông Hồng với các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử (thành Cổ Loa) và các công trình xây dựng mới tiêu biểu kết nối với trục Hồ Tây - Cổ Loa. Phát triển đô thị Đông Anh trên cơ sở mở rộng thị trấn Đông Anh về 2 phía tuyến đường vành đai 3 Hà Nội, thiết lập các trục cảnh quan gắn với sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ, đầm Vân Trì và khu di tích Cổ Loa. Tạo không gian đô thị mới hiện đại dọc trục Nhật Tân – Nội Bài, các trung tâm về tài chính, ngân hàng và dịch vụ chất lượng cao. Hình thành trục phát triển đô thị gắn với trục cao tốc Thăng Long.

Mặc dù được đánh giá cao về yếu tố lợi thế, tiềm năng và dự báo phát triển trên địa bàn đến năm 2020. Tuy nhiên, sự thật là quá trình phát triển đô thị tại Đông Anh diễn ra tương đối chậm. Nguyên nhân căn bản là gì, thưa ông?

- Thực tế cho thấy, quá trình phát triển đô thị tại Hà Nội vần còn phát triển tự phát, theo mô hình “vết dầu loang” với lõi là nội đô lịch sử (gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) phát triển lan dần khu vực kề cận theo các thời kì: Cầu Giấy, Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên. Các nhà đầu tư thường quan tâm đến khu vực phát triển nóng, có khả năng sinh lời cao (khu vực Từ Liêm – Long Biên), có khả năng thu hồi vốn nhanh. Trong khi đó, hạ tầng giao thông kết nối giữa Đông Anh với trung tâm chưa hoàn chỉnh, hạ tầng khung kết nối với các tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, Bắc Thăng Long, Quốc lộ 5 kéo dài chưa đồng bộ. Tuyến quốc lộ 3 có mặt cắt nhỏ chưa được nâng cấp mở rộng… nên nhà đầu tư còn “đủng đỉnh”.

Theo ông, trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt, cần ưu tiên gì để tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả ở địa bàn Đông Anh?

- Theo tôi, cần tập trung xây dựng khung giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, nhanh chóng mở rộng quốc lộ 3, Vành đai 3, vành đai 2,5; xây dựng Cầu Tứ Liên, Cầu Thượng Cát. Ưu tiên xây dựng Cầu Tứ Liên và các tuyến đường kết nối 2 bên đầu cầu; xây dựng tuyến vành đai 3 thúc đẩy sự phát triển vành đai phía Bắc đô thị Đông Anh. Song song, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia và các dự án hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (Trung tâm tài chính Phương Trạch, Công viên công nghệ phần mềm, Công viên Kim Quy, Khu chức năng đô thị hai bên tuyến...) làm hạt nhân kích thích, lan tỏa sự phát triển khu vực, giãn dân ra địa bàn này…

Xin cảm ơn ông!