Hà Nội chia lửa với tâm dịch Bắc Giang

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, Hà Nội đang căng mình chống dịch Covid-19. Thế nhưng, trước diễn biến dịch đang bùng phát tại Bắc Giang, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước", Hà Nội đã quyết định cử “đội đặc nhiệm” với hơn 20 cán bộ, y bác sĩ ưu tú của ngành y tế Thủ đô hỗ trợ tỉnh Bắc Giang dập dịch. Đây không chỉ là hình thức chi viện mà còn giúp địa phương ngăn chặn nguy cơ lây lan.

Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng đoàn công tác TP Hà Nội Trần Văn Chung kiểm tra khu chuẩn bị cách ly tập trung tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Văn Lập
Giải tỏa khó khăn

Ngay sau khi đặt chân đến tâm dịch Bắc Giang, “đội đặc nhiệm” của ngành y tế Hà Nội đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ đặc biệt. Đoàn đã nhanh chóng làm việc với UBND tỉnh và Sở Y tế tỉnh Bắc Giang để nắm bắt tình hình.

Là người lãnh đạo, phụ trách trực tiếp “đội đặc nhiệm”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn công tác Trần Văn Chung chia sẻ, đoàn cán bộ của Hà Nội lên đường làm nhiệm vụ giúp Bắc Giang cũng giống như giúp chính Thủ đô của chúng ta, ngăn chặn sự lây lan, đặc biệt là lây lan ngược trở lại cho Hà Nội. Việc chi viện cho Bắc Giang là tuân theo phương châm "phòng ngự nhưng kết hợp với tấn công" của Thủ tướng đưa ra trước đó. Với kinh nghiệm trong những đợt dịch trước, đoàn cán bộ của Hà Nội đã đến trực tiếp hỗ trợ huyện Lạng Giang. Đây cũng là nơi có nhiều người dân đi làm tại các khu công nghiệp đang trở thành "tâm chấn" Covid-19 của tỉnh Bắc Giang như Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám... truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. “Với đoàn, khó khăn nhất là làm thế nào để huyện tin tưởng, thống nhất kế hoạch phương châm và nguyên tắc triển khai. Cuối cùng, khó khăn ấy cũng đã được giải tỏa”- Trưởng đoàn công tác Trần Văn Chung cho hay.

Với 61 ca mắc Covid-19 tại 29 thôn thuộc 9 xã, 1.200 trường hợp cách ly tập trung, huyện Lạng Giang đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng; cách ly 29 thôn tại 9 xã có bệnh nhân theo chỉ thị 16. Sau khi thống nhất các biện pháp hỗ trợ dập dịch với địa phương, đoàn cán bộ của Hà Nội đã chia thành 3 nhóm với những kế hoạch, đầu việc cụ thể. Trong đó, một nhóm thực hiện nhiệm vụ khảo sát thực địa khu cách ly tập trung, khu chuẩn bị cách ly tập trung, khảo sát công tác chống dịch trong cụm công nghiệp. Một nhóm làm việc với UBND huyện để nắm bắt và hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh tại địa phương, từ đó, đưa ra những biện pháp cần triển khai. Còn một nhóm xuống địa bàn dân cư lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng, rà soát truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh.
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Văn Lập
Trực tiếp "cầm tay chỉ việc"

Là một trong những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch của Thủ đô, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, trước tình hình dịch tại huyện diễn ra nhanh, qua khảo sát thực tế, việc đáp ứng chống địch tại huyện Lạng Giang (huyện miền núi) còn nhiều vất vả, khó khăn. Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị mà nguồn nhân lực để phục vụ cho công tác điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm của địa phương cũng rất hạn chế. Điều kiện tiếp xúc tại các khu cách ly chưa thực sự đảm bảo. Đặc biệt, ngày 18/5, tỉnh Bắc Giang đã chuyển trạng thái bệnh viện huyện là nơi điều trị Covid-19. Vì vậy, đoàn phát sinh thêm nhiệm vụ hỗ trợ bệnh viện, xây dựng các quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19.

“Sau 3 ngày có mặt tại địa phương, đoàn cán bộ của Hà Nội đã khẩn trương hỗ trợ triển khai ngay những biện pháp chống dịch quan trọng như lấy mẫu xét nghiệm, điều tra truy vết, triển khai khu cách ly tập trung, giám sát cách ly tại nhà, phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện…Việc lấy mẫu và trả lời kết quả tại địa phương còn chậm. Để kịp thời phát hiện sớm các ca bệnh, đến nay, đoàn đã tiếp nhận, lấy mẫu và chuyển về Hà Nội 11.358 mẫu để xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Trong đó, 4.146 mẫu đã có kết quả, có 4 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Từ nay cho đến thời điểm sau, đoàn tiếp tục lấy mẫu cho những trường hợp cần thiết nên số lượng mẫu sẽ tăng lên rất nhiều” – bác sĩ Tuấn thông tin.

Là một trong 27 thành viên của "đội đặc nhiệm", Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Hà Nội Lê Hưng chia sẻ, ngay sau khi có mặt tại tâm dịch, đoàn công tác thấy nơi đây còn bộn bề những công việc cần phải làm. “Khi chúng tôi đến, nhiều trạm trưởng trạm y tế xã còn khóc, vì họ không biết phải làm gì với “núi việc”. Tuy nhiên, ngay sau đó, các y bác sĩ của trung tâm y tế (TTYT) huyện Ba Vì, Ứng Hòa đã giải tỏa lo lắng cho họ bằng cách hỗ trợ, hướng dẫn họ sắp xếp lại công việc. “Đội đặc nhiệm” phải trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, đào tạo, tập huấn, hỗ trợ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệp. Cùng với đoàn tình nguyện của trường Trung cấp Y tế tỉnh Bắc Giang, khoa Xét nghiệm của TTYT huyện, đoàn chia làm 10 tổ, mỗi tổ có 1 cán bộ y tế của 2 TTYT huyện Ba Vì, Ứng Hòa làm tổ trưởng, trực tiếp hỗ trợ địa phương lấy mẫu xét nghiệm. Nhờ đó, họ đã yên tâm và vững vàng hơn rất nhiều trong những ngày qua” – bác sĩ Hưng chia sẻ.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, những ngày qua, các cán bộ, y bác sĩ trong “đội đặc nhiệm” của ngành y tế Thủ đô đã quên ăn quên ngủ, nỗ lực hết mình hỗ trợ Bắc Giang. Trong đoàn, có 50% cán bộ y tế là nữ, một số y bác sĩ đang nuôi con nhỏ tuy có chút lo âu nhưng trong lúc cấp bách, họ đã nén lại cảm xúc, nỗi lo, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đặc biệt. Trong đoàn, có lẽ, nhóm đi lấy mẫu và nhóm truy vết là vất vả nhất. Bữa ăn của họ luôn là 3 giờ chiều và 9 giờ tối, nhưng họ đã quá quen với việc vất vả chống dịch khi còn ở Hà Nội. Tất cả họ đều nỗ lực hết mình cùng chung một mục tiêu quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19.
Để thực hiện việc truy vết khẩn cấp, xác định rõ đối tượng F1 và F2, đội đặc nhiệm của Hà Nội đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của huyện Lạng Giang tổ chức lớp tập huấn cho 80 cán bộ điều tra truy vết; tập huấn giám sát cách ly tại nhà và cách ly tập trung cho 80 cán bộ huyện. Đặc biệt, các chuyên gia của ngành y tế Thủ đô đã trực tiếp "cầm tay chỉ việc", đến từng thôn hỗ trợ việc truy vết và cùng cán bộ y tế huyện lấy mẫu xét nghiệm của toàn bộ công nhân làm việc tại 3 khu công nghiệp: Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám đang được cách ly (khoảng 2.500 mẫu). Sau đó, đưa những mẫu này về Hà Nội để xét nghiệm sàng lọc Covid-19.

TS Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần