Kinhtedothi - Phải chủ động, tăng liên kết theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn. Đề nghị ấy của Bí thư, hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng (ĐH - CĐ) cũng là khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP với hơn 100 Bí thư, Hiệu trưởng các trường ĐH - CĐ trên địa bàn, được tổ chức sáng 18/6. Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc. Liên kết còn “mờ” Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, với tinh thần thực sự cầu thị, vì mục tiêu phát triển Thủ đô bền vững, lãnh đạo TP Hà Nội xin trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đồng chí Bí thư, Hiệu trưởng các Học viện, Trường ĐH - CĐ, nhất là về những sáng kiến, giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của Thủ đô trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế tri thức, hình thành thị trường khoa học - công nghệ; phát triển các vườn ươm công nghệ để ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật vào thực tiễn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Thủ đô; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn Thủ đô (du lịch, dịch vụ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch,…); cải cách hành chính; quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường (làm sống lại các con sông, giải quyết ô nhiễm các hồ, xử lý rác thải,…); vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; việc ươm mầm khởi nghiệp từ trong các nhà trường…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi đối thoại. |
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải mong muốn và tin tưởng đội ngũ trí thức, lãnh đạo các viện, các trường ĐH - CĐ trên địa bàn sẽ có nhiều sáng tạo, đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn các giải pháp, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô trong thời gian tới. Đặc biệt, thực hiện tốt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tích cực nghiên cứu, đưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân. Hưởng ứng sự cầu thị, kỳ vọng ấy từ người lãnh đạo đứng đầu TP, Bí thư, Hiệu trưởng các trường đã nêu lên những ý kiến đầy tâm huyết, trách nhiệm, nên dù đã quá trưa, vẫn còn nhiều đại biểu đứng lên đề nghị được tham gia phát biểu. “Việc TP tổ chức đối thoại như thế này rất hay, tạo nên luồng sinh khí mới cho cách quản lý, điều hành. Hiện mối quan hệ giữa các trường với các sở, ngành còn “mờ” lắm, vì vậy, chúng tôi sẵn sàng “nhận việc” TP giao cho”, Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Đình Luận nói. Tinh thần ấy cũng được thể hiện rõ qua những ý kiến thẳng thắn của các đại biểu khác, khi TP đang có lợi thế lớn về nguồn nhân lực, với đội ngũ GS, TS, các nhà khoa học hàng đầu đang công tác tại các trường, nhưng chưa được phát huy, tận dụng hiệu quả. “Nhiều đề tài chưa “vào” được vì chưa gắn kết với nhu cầu của TP, do đó cần có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa sở, ngành với các trường”, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương đề nghị. Tìm cơ chế quản lý hiệu quả Dưới góc độ chuyên môn của mình, PGS. TS Phạm Duy Hoà, Bí thư, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng đã nêu những mặt chưa làm được trong quản lý, quy hoạch đô thị của Hà Nội hiện nay như hiệu quả khai thác các công trình hạ tầng làm ra còn thấp, không xứng với quy mô; dự án này làm giảm tính tích cực của dự án khác; có những công trình chỉ ở Việt Nam mới có hoặc cứ mưa to lại ngập ở các khu đô thị mới... Ông Phạm Duy Hòa cũng đưa ra hàng loạt đề xuất để giải quyết, trong đó trường ĐH Xây dựng có thể tham gia cùng TP, từ tư vấn kỹ thuật, xây dựng cơ chế quản lý đến công nghệ cấp nước, thoát nước, cảnh quan, cây xanh…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi với các lãnh đạo các trường ĐH, CĐ. |
Cũng liên quan đến vấn đề đô thị, PGS.TS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải đưa ra giải pháp với Hà Nội xây dựng xa lộ thông tin thay vì xây dựng xa lộ giao thông như hiện nay. Theo ông, đây là giải pháp có chi phí thấp nhưng bảo đảm tính văn minh tất yếu cho phát triển đô thị bền vững. Bởi khi triển khai các dịch vụ công trực tuyến, người dân không còn nhu cầu tham gia giao thông, sẽ giảm thiểu ách tắc. Bên cạnh đó, phải TP phải quyết liệt giành lại vỉa hè, giao thông tĩnh và thực hiện kết nối đồng bộ với giao thông công cộng để đảm bảo sự thuận lợi, tiện ích. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục cũng nhận được nhiều ý kiến tham gia. "Suy thoái kinh tế thì có thể 5 đến 7 năm sẽ bị phục hồi nhưng xói mòn đạo đức, lối sống thì mất cả trăm năm cũng khó phục hồi" - đưa ra quan điểm như vậy nên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm, GS.TS Nguyễn Văn Minh, kiến nghị lãnh đạo TP nên chú trọng phát triển đạo đức, tư tưởng, lối sống cho sinh viên. Theo ông Nguyễn Văn Minh, với số lượng sinh viên các tỉnh thành khác về Hà Nội đông, việc giáo dục nếp sống văn minh đô thị phải đặt ra đầu tiên, trước khi làm những việc khác. Trường ĐH Sư phạm đề xuất tham gia cung cấp nguồn nhân lực, bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cấp; mở rộng các trường thực hành, giúp sinh viên có môi trường thực tập, tạo chuyển biến tốt trong giáo dục... Theo Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Đình Luận, văn hóa không tự có mà phải cần đến giáo dục và “nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ chiến thắng trong phát triển kinh tế”. Trong khi đó, PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội mạnh dạn đề nghị TP mạnh dạn cấp học bổng để thu hút các nhà khoa học và sinh viên giỏi từ các nước đến học tại Hà Nội, thay vì tư duy chỉ đưa người Việt Nam ra nước ngoài như hiện nay. Thêm “vườn ươm”, tăng liên kết Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ ra các nguyên nhân khiến nguồn lực lớn từ đội ngũ các nhà khoa học tại các viện, trường chưa được tận dụng như toàn bộ tiềm năng, nguồn lực của các trường, viện nghiên cứu chưa được kết nối với nhu cầu của DN và các dự án trên địa bàn. Thông tin từ hai phía chưa được khơi thông và chưa có bộ phận kết nối thông tin. "Toàn bộ nguồn lực, chất xám các viện, trường chưa được lãnh đạo trường quan tâm, chủ động tung ra thị trường mà còn đang bị "giấu" khiến người quản lý chưa biết hết tiềm năng các viện, các trường" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu. Về phía TP Hà Nội cũng chưa tạo ra sân chơi, khu vực để tất cả các học sinh, sinh viên nhà khoa học, các viện, trường có sự kết nối với các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nêu nhiều thông tin về kế hoạch cụ thể của TP Hà Nội trong quản lý đô thị, quy hoạch giao thông, cải tạo chung cư cũ, trồng cây xanh; đồng thời cho biết sẽ công khai “đề bài" để các nhà khoa học, các viện, trường cùng tham gia. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung còn “đặt hàng” ngay các trường nghiên cứu xem có nên sử dụng ma - tít tại các công trình xây dựng ở Hà Nội không, bởi ma - tít có đặc tính hút ẩm và bong tróc nhanh, rất lãng phí. Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cảm thấy tiếc vì không có nhiều thời gian để được nghe thêm nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của Bí thư, Hiệu trưởng các trường. Với những kiến nghị nào có thể giải quyết ngay, đồng chí giao UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm nêu ý kiến |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, đã có một số mô hình liên kết thành công và TP Hà Nội sẽ có những giải pháp khắc phục quyết liệt để nhân lên thêm nhiều mô hình như vậy. “Chúng ta không thể cứ vẽ lên một mô hình, cắm một cái biển cho đẹp rồi để đấy, mà phải hình thành được những “vườn ươm”, kết nối được giữa TP, các DN với các trường mới hiệu quả cao”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói. Bày tỏ sự tâm đắc cao với đề nghị có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, Hà Nội cũng phải nghĩ đến việc là trung tâm giáo dục tầm cỡ quốc tế và TP Hà Nội hoàn toàn có đủ năng lực để làm điều đó. Về vấn đề sắp xếp và di dời, Hà Nội mong muốn không phát triển mới các trường học trong trung tâm. Với các trường trong đô thị, TP hoàn toàn ủng hộ việc các trường xin cấp đất xây dựng cơ sở 2, "Thành phố hứa bảo đảm môi trường an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thật tốt, đạt mục tiêu an bình, xanh, sạch đẹp; thực hiện mạnh đột phá về cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư thiết chế về văn hoá, giáo dục, dịch vụ chất lượng cao, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính quyền điện tử minh bạch, thân thiện, hiệu quả" - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung mong các nhà khoa học tích cực đóng góp cho Hà Nội Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, ngay khi nhận nhiệm vụ đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cũng đã xác định được nguồn lực lớn từ đội ngũ những nhà khoa học từ các Viện, các trường ĐH – CĐ. Nếu TP kết hợp được với lực lượng này, sẽ trở thành tài sản vô giá. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, thời gian qua, điều này chưa được tận dụng hiệu quả. Một phần do bản thân các trường ĐH, CĐ còn bị động, chưa thực sự quan tâm đến quảng bá nguồn lực chất xám của mình để biến thành chất xám thị trường cho những người có nhu cầu tự tìm đến đặt hàng. Ngược lại, TP Hà Nội cũng chưa tạo được sân chơi để các trường, sinh viên, đội ngũ trí thức cùng tiếp cận, qua đó kết nối đào tạo với thị trường. Tới đây, TP Hà Nội sẽ nghiên cứu thành lập Trung tâm “khởi nghiệp” để thực hiện hoặc kết nối những sản phẩm khoa học đến với doanh nghiệp. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện Hà Nội đã rà soát, đề ra những giải pháp và quyết liệt chỉ đạo khắc phục những lúng túng, hạn chế trong công tác quản lý, xây dựng đô thị; chỉnh trang cảnh quan, trật tự văn minh đô thị; ứng dụng công nghệ vào thực tiễn quản lý, phát triển, cải cách hành chính; tạo đột phá về hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông; tìm cơ chế để cải tạo chung cư cũ…TP Hà Nội cầu thị và mong muốn các nhà khoa học, các Viện, Trường ĐH, CĐ sẽ tích cực tham gia cùng TP. “TP sẵn sàng đặt hàng các trường, các viện một số đề án, dự án cụ thể trong từng lĩnh vực, điều quan trọng là các đề án, các nghiên cứu này cần mang tính thực tiễn để có thể ứng dụng hiệu quả”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói và đề nghị ngay Học viện Nông nghiệp và ĐH Lâm nghiệp tham gia phát triển hệ thống cây xanh trên địa bàn với tầm nhìn đến 2050. Đối với vấn đề nguồn nhân lực, Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn các trường nghiên cứu xem chương trình đào tạo của cán bộ cần học gì cho phù hợp thực tiễn, nhất là trong công tác quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin. |