Cùng dự có Phó Ban dân vận TƯ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch MTTQ TP Nguyễn Anh Tuấn, cùng đại diện các ngành chức năng TP.
Theo báo cáo UBMTTQ TP, trong 3 năm qua UB MTTQ TP Hà Nội đã tham gia 18 cuộc giám sát và khảo sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân vận TƯ, các Ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, 28 cuộc GS với Thường trực và các ban của HĐND TP về thực hiện các Nghị quyết, chính sách… tại một số cơ sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Trong đó nội dung của các đoàn đều tập trung vào công tác phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, môi trường, cải cách TTHC, xây dựng nông thôn mới…; phối hợp giải quyết khiếu nại tố cáo công dân.
|
Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thức phát biểu tại hội nghị chiều 5/5/2017. Ảnh Anh Quý |
Đối với giám sát chuyên đề, UBMTTQ TP đã tổ chức giám sát các hoạt động hành nghề y tế ngoài công lập tại Bệnh viện Việt – Pháp, Bệnh viện Hồng Ngọc và Phòng khám tư nhân số 28 Trần Phú, quận Ba Đình; GS hoạt động kinh doanh và sử dụng vật tư, chế phẩm nông nghiệp trong quá trình cánh tác, chăn nuôi và sơ chế biến sản phẩm sau thu hoạch tại các huyện…. Đặc biệt, ở cấp xã, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban GS Đầu tư cộng đồng trên địa bàn TP, đã kiến nghị thu hồi hơn 157,6 m2 đất và trên 14,6 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, hàng năm, MTTQ TP còn chủ trì xây dựng và ký kết kế hoạch phối hợp với Thường trực HĐND - UBND, các sở, ban, ngành chuyên môn của TP trong việc kiểm tra, GS các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức Nhà nước thuộc TP Hà Nội trong việc chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng…
Về hoạt động PBXH, UBMTTQ TP đã triển khai tới 100% quận, huyện, thị xã và 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Tính đến nay, MTTQ TP đã phối hợp với Thường trực HĐND – UBND TP tổ chức 10 hội nghị phản biện góp ý kiến vào tờ trình và dự thảo Nghị quyết HĐND góp phần hoàn thiện các quyết sách của chính quyền cho phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như thực hiện đúng nội dung, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội.
Tại hội nghị, phần lớn các ý kiến khẳng định, công tác phản biện ở cấp TP rõ nét hơn. Nhiều cơ chế, chính sách của TP, được UBND TP chủ động chuyển tới MTTQ TP cho ý kiến góp ý như cơ chế “đặt hàng”, đạt hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, công tác giám sát, còn những hạn chế, như cơ chế cung cấp thông tin còn bó hẹp, vấn đề hậu giám sát của MTTQ nhiều nơi việc tiếp thu, trả lời còn khó khăn, thậm chí còn làm hình thức. Thường trực UB MTTQ TP Hà Nội đề nghị, Chính phủ và UB TƯ MTTQ Việt Nam sớm ban hành Nghi quyết liên tịch về các hình thực GS, PBXH quy định tại các Điều 27, 34 của Luật MTTQ Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Trưởng đoàn Ngô Sách Thực cho biết: mục đích của những cuộc khảo sát nhằm đánh giá lại kết quả đạt được và những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai, từ đó rút kinh nghiệm, đề xuất cách làm trong thời gian tới. Ông Thực cũng đánh giá cao, MTTQ TP Hà Nội, trong đó, nổi bật trong công tác GS và PBXH của Hà Nội là tính chủ động, làm tốt ở cả 3 cấp với nhiều điểm mới trong cách triển khai, thực hiện nhiệm vụ.
Theo Trưởng đoàn Ngô Sách Thực, dự kiến ngày 16 /5 tới, theo kế hoạch chung Ban Dân vận TƯ và UBTƯMTTQ Việt Nam sẽ đồng chủ trì sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ chính trị về giám sát, PBXH góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. “Việc giám sát xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vừa là vấn đề mới nhưng cũng vừa là vấn đề cũ. Việc giám sát này có tác dụng lớn trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tăng sự đồng thuận trong nhân dân”, Trưởng đoàn Ngô Sách Thực nói, đồng thời đề nghị UBMTTQ TP Hà Nội chọn một đơn vị cấp xã làm tốt công tác phản biện và một đơn vị nói về kinh nghiệm giám sát cán bộ đảng viên.