Hà Nội: Chưa cấp, đổi GPLX bằng vật liệu mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến nay, mới chỉ có 12 Sở GTVT tỉnh, thành phố và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cơ bản chuẩn bị xong để bắt đầu thực hiện việc cấp, đổi giấp phép lái xe bằng vật liệu PET từ ngày 1/7/2012. Hà Nội và TP.HCM không nằm trong danh sách này.

12 tỉnh/thành được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận cho triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) theo mẫu mới từ ngày 1/7 gồm: Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Dương, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Kon Tum, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Tổng cục này đề nghị các tỉnh/thành phố nói trên cử người tập huấn bổ sung và giải quyết các vướng mắc, hỗ trợ các đơn vị còn chưa thực hiện cài đặt và vận hành, tiến hành vận hành đồng bộ hệ thống. Đây là dự án phần mềm quan trọng liên quan trực tiếp đến cấp, đổi GPLX mới nên Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị các sở, nhà thầu PET phối hợp kiểm tra, thực hiện, khi có vướng mắc cần sớm liên hệ với Tổng cục để được giải quyết.

Đối với Sở GTVT các tỉnh, thành phố chưa thực hiện cấp GPLX mẫu mới, từ ngày 1-7-2012 sẽ triển khai việc cấp, đổi GPLX cho người dân theo quy định hiện hành đã áp dụng trong thời gian qua. 

Theo quyết định của Bộ GTVT quy định về việc áp dụng cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) hết thời hạn bằng vật liệu PET theo mẫu quy định tại Thông tư số 35/2010/TT-BGTVT, tất cả các địa phương có trách nhiệm đầu tư thiết bị, bố trí cán bộ vận hành đưa GPLX bằng vật liệu PET vào sử dụng từ ngày 1/7/2012. Đến ngày 1/7/2013, tất cả các tỉnh, thành phố phải triển khai cấp đổi GPLX mới triển khai đại trà.
 
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết  lý do phải đổi GPLX là vì GPLX cũ làm bằng giấy không đảm bảo độ bền, kích thước không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ in đơn giản nên dễ tẩy, xóa,  ảnh được dán trên GPLX nên dễ thay đổi. Ngoài ra, GPLX hiện nay chỉ có duy nhất tiếng Việt… Trong khi đó, GPLX mẫu mới có nhiều ưu điểm như được làm bằng vật liệu có độ bền cao, kích thước phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, nên thuận tiện trong việc bảo quản, sử dụng. Sử dụng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế khi Việt Nam hiện đã tham gia ký kết Hiệp định công nhận GPLX giữa các nước trong khối ASEAN, các hiệp định, nghị định thư về vận tải đường bộ với Trung Quốc, Lào, Campuchia và Hiệp định GMS.
 
Ngoài ra, Việt Nam đang thực hiện các bước để gia nhập Công ước Quốc tế về công nhận GPLX với trên 150 nước tham gia. GPLX mới sử dụng công nghệ in hiện đại trên máy in chuyên dùng, ảnh của người lái xe được in trực tiếp trên GPLX. Trên GPLX còn sử dụng công nghệ mã hóa một số thông tin ẩn và một số nội dung bảo mật khác trên màng phủ. Các thông tin này được hiển thị dưới kính giải mã và tiện dụng đối với lực lượng tuần tra kiểm soát, trên GPLX còn có hoa văn bảo mật và phôi chống làm giả. GPLX mới sử dụng 1 số (mã số) GPLX xe duy nhất cho người lái xe, ứng dụng chữ ký số để bảo mật ảnh chữ ký và con dấu của người phê duyệt cấp nên hạn chế tới mức thấp nhất khả năng làm giả hoặc tẩy xóa sửa chữa. Một điểm khác nữa, GPLX mới nằm trong hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX toàn quốc, tạo điều kiện để lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm. Lực lượng Công an hay kể cả các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng người lái xe dễ dàng cập nhật truy cập vào cổng thông tin điện tử về GPLX của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để xác thực và theo dõi vi phạm của người lái xe. Dữ liệu thông tin của người lái xe được lưu trữ trong hệ cơ sở dữ liệu GPLX thống nhất toàn quốc, phục vụ công tác tra cứu về tính xác thực, khai thác thông tin của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cá nhân, phục vụ việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý, giáo dục người lái xe.
 
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc áp dụng cấp, đổi GPLX bằng vật liệu PET sẽ hạn chế được tình trạng làm giả.