Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: chưa đến phải mong, đến rồi phải nhớ

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có hàng ngàn di sản, mỗi di sản mang một giá trị riêng. Chính sự giàu có này đã mang lại cho Thủ đô sức hút riêng, đặc biệt là với du khách nước ngoài.

 Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải.
Văn hóa di sản níu chân du khách
Cả nước có 63 tỉnh, TP, mỗi vùng miền lại có thế mạnh về loại hình và điểm du lịch riêng, nhưng nổi bật và thu hút nhất là những di sản thế giới có tại Việt Nam. So với các tỉnh, thành khác, Hà Nội được mệnh danh là TP của di sản với hơn 5.000 đình, đền, chùa, di tích lịch sử và hơn 1.000 di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng nuôi dưỡng như: Ca trù, tiếng Lóng (Đa Chất), hát Trống quân... Bản sắc văn hóa Thủ đô hơn 1.000 năm tuổi đã tạo cho di sản Hà Nội một chiều sâu, điển hình như những di sản thể hiện sự xa hoa, thịnh vượng của các triều đại, nhưng cũng dân dã và sâu sắc từ trong đời sống người Hà Nội.

Hà Nội được xem là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và lịch sử, nơi hàng năm diễn ra hàng trăm lễ hội lớn nhỏ. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có 4 loại di sản được UNESCO công nhận gồm: Hát ca trù hay hát ả đào có phạm vi tới 15 tỉnh, TP phía Bắc, nhưng Hà Nội là nơi sở hữu nhiều ca nương, đào kép, câu lạc bộ nhất.
Có những thời kỳ đứt đoạn, nhưng từ sau 1/10/2009, sau khi ca trù được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, ở đình Kim Ngân (Hàng Bạc), Bích câu đạo quán (Cát Linh), hay thôn Chanh (Phú Xuyên), ca trù lại dặt dìu nhịp phách. Lớp nghệ nhân lớn tuổi như Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Thị Khướu… người mất người còn, nhưng khi có sức họ vẫn cùng những đào nương nhí như Nguyễn Huệ Phương, đến đào nương trẻ Nguyễn Thị Huệ… hàng đêm gõ phách, nảy phím. Ca trù đã níu chân nhiều vị khách từ khắp nơi trên thế giới đến và hẹn ngày trở lại Hà Nội.

Trên bản đồ di sản thế giới, Hà Nội còn có Hội Gióng. Có 2 hội Gióng tiêu biểu với những nghi lễ đặc sắc tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng theo tín ngưỡng dân gian. Ngày Mùng 6 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (nơi gắn với hình ảnh thánh bay về trời), người dân bốn phương lại ngược xuôi về chứng kiến những màn dâng hoa tre, trầu cau, ngựa mã…, sau túm tụm tranh lộc cầu may, dâng lễ Thánh. Ngày 8 và 9 tháng 4 âm lịch, người Hà Nội lại mở hội mừng tại nơi Thánh Gióng sinh ra ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
Hội diễn ra ở thời điểm tiết trời Hà Nội đã oi nóng, nhưng không ngăn được hàng nghìn người về đây chứng kiến cảnh rước nước, rước cô Tướng, ông Hiệu, Phù Giá; Ra các đầm chứng kiến trận đánh ở Đống Đàm – là khi đàm phán kêu gọi Hòa Bình, Soi Bia – mô phỏng cách điệu trận đánh ác liệt.

Ngoài ra, bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long hay bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới vào năm 2010. Đây là các bia đá ghi tên những người đỗ tiến sĩ các khoa thi thời Lê sơ, thời Mạc và thời Lê Trung Hưng (1442 - 1779).

Dịp Thủ đô chuẩn bị lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đón tin vui từ UNESCO. Với khu di sản bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với diện tích hơn 47.000m2 và Thành cổ Hà Nội với diện tích hơn 138m2, tạo thành một di sản thống nhất. Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng trong hệ thống các di tích Việt Nam.
 Ảnh: NSNA VĂn Phúc.
Lo giữ hồn di sản

Vị giáo sư đã hơn 80 tuổi – GS.TS Tô Ngọc Thanh có quá nửa thế kỷ lăn lộn với các loại hình di sản, nhưng điều ám ảnh ông suốt mấy năm qua chính là câu nói rưng rưng trong cái nắm tay trao gửi: “Từ nay ca trù trông cậy cả vào các ông” của nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc trước khi qua đời.
Những nghệ nhân dành cả tuổi thanh xuân cho ca trù, từng mang tiếng kiếp đào kép ca nương mua vui cho thiên hạ… đã mang sẵn nỗi xót thương di sản trong thời kỳ lạc nhịp. Đến thế kỷ XXI, giá trị di sản ca trù được nhìn nhận lại, danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO được nghệ nhân coi là “cái phao” cứu ca trù trong cơn đuối nước.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc sau một thời gian gác đàn, cất phách lại tụ hội với đồng môn cùng hòa phách nhịp trong ngôi nhà cấp 4 ven đô. Nhưng rồi, sau 8 năm thế giới công nhận, ca trù vẫn không quay lại được cái thời hoàng kim như hồi cuối thế kỷ XIX đầu XX. Chính vì vậy, nỗi lo canh cánh vẫn còn vương trên khóe mắt của nghệ nhân lừng danh của ca trù đất Bắc trước khi qua đời.

Nhưng nếu nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc kịp biết rằng, trong 2 đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú của Hà Nội, nghệ nhân ca trù chiếm số đông so với các loại hình di sản khác chắc bà sẽ bớt nặng lòng.
Trong đó có những giọng ca mới 24 tuổi như ca nương Nguyễn Thu Thảo. 24 năm sống, thì Thảo dành 17 năm chỉ để nghe, học và hát ca trù. “Chưa bao giờ chúng tôi kiếm tiền giỏi từ di sản, nhưng luôn một lòng cống hiến cho ca trù” – Nguyễn Thu Thảo tâm sự.

Nguyễn Thu Thảo là cháu nội nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi - đệ nhất trống chầu đất Hà thành. Với nghệ nhân Mùi, dù thế giới chưa công nhận ca trù thoát khỏi tình trạng khẩn cấp cần bảo vệ, nhưng di sản thực tế đã không còn quá khẩn cấp trong lòng ông. Bởi với tư cách là hậu duệ đời thứ 7 của đại gia đình gắn bó với ca trù cả trong những tháng ngày di sản gieo neo nhất, tiếng đàn đã thấm vào máu thịt. “Từ cô tổ nghề của dòng họ là bà Nguyễn Thị Tuyết đến tôi là đời thứ 7.
Những năm 30 của thế kỷ trước, trong nhà tôi lúc nào cũng ngập tràn tiếng đàn, tiếng hát, nhịp phách của bố và các cô chú trong gia đình”. Dù có những giai đoạn ca trù cách nhịp, nhưng chưa ai trong dòng họ nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi dừng truyền nghề cho con cháu. Đến nay, con gái ông Mùi là bà Nguyễn Thúy Mùi đã là một ca nương có tiếng. Con trai Nguyễn Văn Khuê cũng trở thành một nghệ nhân đàn đáy. Hai cô cháu gái ngoài Nguyễn Thu Thảo còn có ca nương Kiều Anh cũng sớm bộc lộ năng khiếu. Danh tiếng ca trù của dòng họ Nguyễn không chỉ vương vấn ở các điểm diễn Hà Nội, mà vang ở nhiều nước Pháp, Nhật, Mỹ…

Vậy là từ di sản thế giới như Hội Gióng, Hoàng thành Thăng Long, 82 bia đá tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám… đến câu nói lời ca đã thuộc về văn hóa đều được người Hà Nội chăm lo giữ gìn qua hàng nghìn năm.