Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội chưa thống nhất phương án đổi giờ làm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 25/10 sau 2 giờ bàn thảo, Sở Giao thông Hà Nội và lãnh đạo một số vụ Bộ Giao thông vẫn chưa thống nhất phương án đổi giờ học giờ làm để báo cáo Chính phủ. Phương án tạm thời đưa ra là nghiên cứu áp dụng trên phạm vi hẹp.

Đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng đề xuất, với sinh viên, không nên phân thành nhiều giờ theo các quận mà nên học chung từ 6h30 sáng, ca chiều từ 12h. Với cán bộ trung ương và Hà Nội cùng vào một nhóm, làm việc sau giờ học của khối mầm non, tiểu học 30 phút, kết thúc giờ làm lúc 18h để cán bộ có thể kết hợp việc đón con.

Ông Lê Đỗ Mười, đại diện Viện Chiến lược giao thông vận tải đề xuất cần điều tiết lại nhóm sinh viên thành một giờ học từ 7h, kết thúc lúc 17h, thay vì đề xuất là 17h30.

Đồng tình với Vụ Kết cấu hạ tầng, ông Thân Văn Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông, bày tỏ: "Điều chỉnh giờ làm chỉ là một tác động chứ không phải bài thuốc đặc hiệu giải quyết ùn tắc giao thông. Dù phương án nào cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân chia sẻ với nhà nước những khó khăn nhất thời. Lưu thông giờ cao điểm thì nước nào cũng đông đúc, quá tải".
 
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng cần khảo sát, đánh giá nghiêm túc những đối tượng chịu ảnh hưởng của điều chỉnh giờ làm việc. Đại diện Sở Lao động Thương binh Xã hội cho rằng, đề án mới chỉ đề cập công chức song khối doanh nghiệp, văn phòng đại diện cũng chiếm số lượng lớn. Do vậy, nếu không điều chỉnh giờ tan tầm buổi chiều (từ 5h30 đến 6h) thì sẽ có vấn đề.

"Chúng ta nên chia giờ tan sở của các nhóm buổi chiều cách nhau 1 giờ; gộp công chức, cán bộ và trẻ mầm non vào một nhóm, khối sinh viên chia làm 2 múi giờ khác nhau", vị này nêu.

Đại diện Sở Nội vụ cho rằng, Hà Nội có 6,5 triệu dân, loại trừ những người không tham gia giao thông thì cần khảo sát dân sống tập trung ở các quận nội thành, các nhóm tham gia giao thông.

Đại diện ngành giáo dục đào tạo thủ đô, ông Nguyễn Trí Dũng, nhận xét, số học sinh tiểu học, trung học không đến 500.000 em như khảo sát của Vụ Vận tải, trong đó các quận nội thành chỉ chiếm khoảng 50%. Những trái tuyến từ Hoàn Kiếm sang Ba Đình phải do bố mẹ đưa đi chiếm tỷ lệ 12-13% với khoảng 10.000 cháu. Do vậy, số học sinh tham gia giao thông không lớn như khảo sát của Bộ Giao thông vận tải.

Ông Dũng cho rằng, múi giờ của các nhóm phải chênh lên 1 tiếng trở lên, nếu không thì tất cả phương tiện lại gặp nhau ngoài đường, ách tắc giao thông.

Chốt lại cuộc họp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hội nghị nhất trí đồng tình điều chỉnh giờ làm việc; song cần nghiên cứu, tính toán thêm. Hà Nội sẽ nghiên cứu, áp dụng ở phạm vị hẹp với nhóm người ít bị ảnh hưởng nếu điều chỉnh giờ như khối sinh viên, khối trung tâm thương mại.

"Sau khi nghiên cứu, thành phố sẽ đưa ra áp dụng và nhân rộng nếu thấy hiệu quả. Chiều nay chúng tôi sẽ có báo cáo UBND thành phố", ông Hùng nói.
 

Để giảm tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất thay đổi thời gian làm việc và học tập. Cụ thể công chức cơ quan trung ương sẽ làm giờ ca sáng từ 9h đến 12h; ca chiều từ 13h đến 18h. Công chức Hà Nội sẽ làm giờ ca sáng từ 8h30 đến 12h; ca chiều từ 13h đến 17h30.

Bậc mầm non, tiểu học, THCS sẽ học bán trú từ 8h đến 17h30. Học sinh THPT sẽ học ca sáng từ 7h đến 11h; ca chiều từ 12h30 đến16h30.

Sinh viên đại học quận Cầu Giấy sẽ học ca sáng từ 7h đến 12h và ca chiều từ 12h30 đến 17h30. Sinh viên quận Đống Đa học ca sáng từ 6h30 đến 11h30 và ca chiều từ 12h45 đến17h45. Sinh viên quận Thanh Xuân học ca sáng từ 6h45 đến 11h45 và ca chiều từ 12h30 đến 17h30. Sinh viên quận Hai Bà Trưng học ca sáng từ 6h30 đến 11h30 và ca chiều 12h45 đến 17h45.

Các trung tâm kinh doanh, thương mại sẽ mở cửa từ 9h30 đến 23h30.