Hà Nội chuẩn bị xây dựng cầu vượt nhẹ thứ 8

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt dự án xây dựng cầu vượt nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch.

Dự án xây dựng cầu vượt nút giao đường Chùa Bộc- Phạm Ngọc Thạch do Sở GTVT làm chủ đầu tư với mức khái toán tổng mức đầu tư dự án là  hơn 156 tỷ đồng, trong đó phần chi phí xây dựng là 122,25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Dự án xây dựng cầu vượt nút giao đường Chùa Bộc- Phạm Ngọc Thạch giữa tuyến đường Chùa Bộc- Phạm Ngọc Thạch với đường Tôn Thất Tùng và đường Đông Tác kết hợp với tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu. Dự án nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tăng cường năng lực giao thông trên các tuyến đường qua nút giao.

 
ầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân.
Cầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân.
Cầu vượt nút giao đường Chùa Bộc- Phạm Ngọc Thạch được xây dựng kết cấu bằng thép lắp ghép, cầu vượt trực thông theo hướng Chùa Bộc- Phạm Ngọc Thạch cho 2 làn xe hỗn hợp (ô tô và mô tô), chiều dài cầu tính đến đuôi mố là 227m, chiều rộng cầu 9m. Kết cấu nhịp dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép. Kết cấu phần dưới mố cầu bê tông cốt thép, trụ cầu bằng thép đặt trên móng cọc khoan nhồi bê tông cốt thép.

Theo phương án xây dựng, tim cầu vượt bám theo tim tuyến đường Chùa Bộc- Phạm Ngọc Thạch. Phần cầu xây dựng cầu dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép, tải trọng thiết kế hoạt tải 3T, tĩnh không thông xe dưới cầu 4,75m.

Kết cầu phần trên gồm 8 nhịp dầm hộp thép, chiều cao dầm hộp thép, chiều cao dầm hộp 1,2m khoảng cách giữa các dầm là 2,3m đến 2,65m. Bản mặt bê tông cốt thép chiều dày tối thiểu 15cm. Kết cấu phần dưới mố cầu bằng bê tông cốt thép, trụ cầu bằng thép dạng thân tròn đường kính 1,5m. Móng mố, trụ cầu dùng móng cọc khoan nhồi bê tông cốt thép đường kính 2m, chiều dài dự kiến 45m.

Dự án dự kiến sử dụng hơn 4.000 m2 đất.

Đây là cầu vượt thứ 8 trên địa bàn Hà Nội được xây dựng nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông. 7 cây cầu vượt trước đó Hà Nội đã đưa vào khai thác ở các nút giao Thái Hà - Chùa Bộc, Láng - Lê Văn Lương, Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà - Láng Hạ, Nam Hồng - Mai Dịch - Nội Bài, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai.