Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội có 437 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình

Thanh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Báo cáo số 179/BC-VH&TT của Sở VH&TT Hà Nội, tính đến hết tháng 10/2017, Hà Nội có 437 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình/584 tổng số xã, phường, thị trấn.

Ưu điểm của mô hình này được đánh giá có sự liên kết, phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, nội dung phong phú.

Tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình.

Mô hình đã giúp người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò gia đình, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách về pháp luật nói chung, đồng thời giúp người dân thực hiện tốt Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, từng bước giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trong cách xây dựng mô hình này cũng đang thể hiện nhiều nhược điểm: Ở xã, phường không có cán bộ chuyên trách làm công tác gia đình. Do đó, rất khó khăn trong việc tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là công tác thu thập, thống kê số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Việc duy trì hoạt động của mô hình điểm gặp nhiều khó khăn về đội ngũ, không thu hút được các thành viên, hoạt động không hiệu quả.

Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình có nhiều đơn vị, các hội ban, ngành triển khai, từ Bộ VHTT&DL, Hội Phụ nữ Việt Nam đến Hội Nông dân, Đoàn thanh niên… Hệ thống mô hình được phủ khắp các thôn, xã, phường, như ở huyện Mê Linh tại các xã Đại Thành, Tam Đồng, Thạch Đà, Kim Hoa có các mô hình triển khai theo hình thức Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, CLB gia đình hạnh phúc, CLB phòng chống bạo lực gia đình… Ở huyện Đan Phượng, ngoài các hình thức triển khai trên, tại xã Trung Châu còn có các CLB phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tuổi thanh thiếu niên… Nếu ở các quận như Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, mạng lưới các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình duy trì 1 CLB tại 1 phường, thì ở ngoại thành, có những xã có 2 - 4 CLB.

Từ năm 2012 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 130.000 vụ bạo lực gia đình, con số này ở Hà Nội cũng lên đến hàng nghìn. Trong đó, nam giới chiếm hơn 83% đối tượng gây bạo lực gia đình; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực. Trẻ em trong gia đình có bạo lực, khả năng học tập suy giảm nghiêm trọng, một bộ phận có xu hướng sử dụng bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn với bạn bè. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bạo lực học đường. Chưa kể, bạo lực gia đình còn là nguyên nhân làm gia tăng các loại tội phạm xã hội. Những con số đó cho thấy thực trạng đáng báo động, đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội để đẩy lùi vấn nạn bạo lực gia đình.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tăng cường khuyên can đối thoại, kết hợp tuyên truyền, vận động người trong gia đình, dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các CLB phòng, chống bạo lực gia đình đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động của người dân, giảm thiểu dần các vụ bạo lực gia đình gây nhức nhối trong dư luận.