Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội có hơn 268 cơ sở sản xuất công nghiệp điện tử

Linh Đan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 494/UBND-KT báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thôn kết quả thực hiện Quyết định số 1290/QĐ-TTg ngày 1/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, kết quả sản xuất của ngành công nghiệp điện tử Hà Nội năm 2015: Số cơ sở sản xuất là 268 cơ sở, bao gồm 3 doanh nghiệp nhà nước, 198 xí nghiệp, công ty tư nhân, 42 doanh nghiệp vốn FDI và 25 cơ sơ sản xuất cá thể; chỉ số phát triển giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 105,1% (toàn ngành đạt công nghiệp đạt 109,1%); giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 69.295 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14% giá trị toàn ngành công nghiệp, khối FDI chiếm 93% về giá trị công nghiệp điện tử; số lượng lao động là 49.042 người, chiếm tỷ trọng 6% lao động toàn ngành công nghiệp, khối FDI chiếm 91% số lao động công nghiệp điện tử; các sản phẩm chủ yếu năm 2015, máy in phun 12,2 triệu cái, Máy in laze 8,1 triệu cái, máy scane 762 nghìn cái (chủ yếu do Công ty Canon sản xuất lắp ráp).
Theo đánh giá, TP Hà Nội đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hoàn thiện hiện đại và đồng bộ cơ sở hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, quan tâm đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao tích cực thu hút đầu tư của các doanh nghiệp đến từ các quốc gia công nghiệp điện tử phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngành công nghiệp điện tử Hà Nội phát triển khá, giữ được vị trí vai trò là ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, đạt kim ngạch xuất khẩu cao và thu hút nhiều lao động. Nhiều mặt hàng có thế mạnh của Hà Nội đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá như: Máy tính các loại, máy in, phần mềm ứng dụng, linh kiện điện tử, điện thoại di động, đồ điện tử dân dụng, thiết bị điện tử công nghiệp và chuyên dụng...

Trên cơ sở kết quả đạt được và một số mặt còn hạn chế, UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hơn các nội dung trong kế hoạch hành động về phát triển ngành công nghiệp điện tử theo hướng: Có chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế và thuê đất để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp điện tử hàng đầu về công nghệ cao đến từ các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa kỳ, EU... Khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện để các chuyên gia cao cấp nước ngoài trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm và nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Tăng cường nguồn lực phát triển ngành công nghiệp điện tử thông qua các chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại và đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực...