Tham dự có Phó trưởng ban Ban dân nguyện UBTV Quốc hội Bùi Nguyên Súy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn.
Theo báo cáo của Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội, sau 5 năm thực hiện, Đoàn ĐB Quốc hội TP đã tích cực phối hợp với UBND TP, Thành ủy, HĐND TP, các Sở, ban, ngành thực hiện hiệu quả Nghị quyết 525. Khi thực hiện, Hà Nội đã có nhiều cách làm tốt, cách làm hay nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Trong đó, đã tổ chức 502 hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Trong đó, có 243 cuộc tiếp xúc cử tri trước các kỳ họp và 259 cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, 10 hội nghị TXCT nơi cư trú; 8 hội nghị TXCT nơi làm việc; 16 hội nghị TXCT theo chuyên đề, theo lĩnh vực; 1 hội nghị TXCT theo đối tượng; 4 hội nghị TXCT ngoài địa bàn tỉnh, thành phố do cá nhân ĐB Quốc hội thực hiện. Qua chọn lọc, tổng hợp, có 573 ý kiến, kiến nghị của cử tri được gửi tới cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp Trung ương và nhận được 478 ý kiến trả lời. Đối với kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội được UBND TP trả lời đầy đủ, đã chuyển 1.055 ý kiến, kiến nghị cử tri đến UBND TP Hà Nội. Ngoài ra, việc TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực và đối tượng đã được Đoàn ĐB Quốc hội quan tâm. Nhờ cách thức đổi mới trong tiếp xúc cử tri mà nhiều cử tri đã đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, việc TXCT cũng còn nhiều bất cập yếu kém như việc trả lời kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan T.Ư còn chậm, một số nội dung trả lời ý kiến cử tri còn chung chung, kể lể thành tích, né tránh chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số ý kiến trả lời kiến nghị thuộc thẩm quyền TP chỉ mang tính hình thức tiếp thu ý kiến và hứa xem xét, giải quyết…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, việc TXCT cần có quy định rõ ràng, cần bổ sung các hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri cụ thể, có báo cáo hình thức, phương thức, địa đểm tổ chức với cấp trên trước khi tổ chức tiếp xúc cử tri. Bên cạnh đó, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nôi cần tiếp tục rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp, trách nhiệm của UBND các cấp cử đại diện tham dự, tiếp thu và giải quyết kiến nghị làm sao cho hài hòa và thực chất. Bổ sung quy định xác định rõ trách nhiệm khi lãnh đạo UBND các cấp không dự hội nghị tiếp xúc cử tri của ĐB Quốc hội để tiếp thu, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri về các vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương. Đồng thời, cần phân loại đơn khiếu nại, tố cáo để giải quyết và trả lời nhân dân, để công tác giải quyết khiếu nại, đơn thư tố cáo cho người dân được rõ ràng và đúng quy định. Công tác tổ chức tiếp xúc cử tri cũng cần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn.
Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cũng đã yêu cầu các ĐB Quốc hội cần thấy rõ trách nhiệm của mình sau tiếp xúc cử tri để giải quyết các ý kiến mà cử tri đã nêu; tiếp tục có các hình thức tiếp xúc cử tri phong phú và hiệu quả; việc tiếp thu và giải quyết kiến nghị, công tác điều hành cần tập trung khắc phục đổi mới tư duy theo nguyên tắc tập trung dân chủ…