Hà Nội công bố 6 đồ án Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử: Bảo đảm nguyên tắc bảo tồn và phát triển

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/3, Sở QH - KT Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tổ chức Hội nghị công bố 6 đồ án Quy hoạch phân khu (QHPK) nội đô lịch sử tỷ lệ 1/2.000 vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Đây là dấu mốc quan trọng để Hà Nội giải quyết các tồn tại, bất cập tại khu vực đô thị lõi, đồng thời tạo bước đột phá xây dựng đô thị thông minh, hiện đại, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Xác định tính chất, chức năng của từng phân khu

Phó Giám đốc Sở QH – KT Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, thực hiện cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vào ngày 19/3 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký các Quyết định 1357/QĐ-UBND, 1358/QĐ-UBND, 1359/QĐ-UBND, 1360/QĐ-UBND, 1361/QĐ-UBND, 1362/QĐ-UBND về việc phê duyệt 6 đồ án Quy QHPK nội đô lịch. Theo đó, vị trí các phân khu nội đô lịch sử thuộc địa giới hành chính quận Hoàn Kiếm (H1-1A, H1-1B, H1-1C), quận Ba Đình (H1-2), quận Đống Đa (H1-3) và Hai Bà Trưng (H1-4). Phạm vi ranh giới từ Vành đai 2 tới hữu ngạn sông Hồng. Diện tích lập quy hoạch 2.709,75ha, dân số đến năm 2030 và 2050 là 672.000 người (dân số hiện nay hơn 887.000 người).
 Phối cảnh tổng thể Quy hoạch phân khu H1-2 tại quận Ba Đình.
Các đồ án quy hoạch đã xác định rõ ràng về tính chất, chức năng của từng phân khu. Cụ thể, khu phố cổ (QHPK H1-1A) là khu vực đô thị cổ có giá trị về lịch sử và văn hóa. Chức năng chủ yếu là thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.

Khu vực Hồ Gươm và phụ cận (QHPK H1-1B) là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, có chức năng là trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng.

Khu phố cũ (QHPK H1-1C) và một phần các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4 là khu đô thị cũ có nhiều công trình giá trị lịch sử và văn hóa, kiến trúc. Có các chức năng chủ yếu gồm di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa, y tế và chức năng công cộng khác.

Khu vực hạn chế phát triển (phần còn lại các QHPK H1-2, H1-3 và H1-4) là khu vực cải tạo và hạn chế phát triển xây dựng nhà ở cao tầng. Các chức năng chủ yếu nhà ở, cơ quan, di sản, di tích, du lịch, dịch vụ thương mại, tiện ích đô thị...

Về những chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, các QHPK nội đô lịch sử cơ bản tuân thủ định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành. Trong đó đáng chú ý, đất công cộng đô thị, hỗn hợp khoảng 284,54ha (đạt chỉ tiêu 4,39m2/người). Đất cây xanh, mặt nước, thể dục thể thao đô thị khoảng 247,14ha (đạt chỉ tiêu 3,82m2/người). Đất trường THPT khoảng 18,34ha (đạt chỉ tiêu 0,28m2/người, tương ứng 7,1m2/học sinh). Đặc biệt, diện tích đường giao thông đô thị đã tăng từ 213,95ha lên từ 400 - 600ha, chiếm diện tích 22,5% đất đô thị và phù hợp với quy chuẩn.

Về cấu trúc không gian được tổ chức theo các tuyến trục và mạng lưới đường vành đai, hướng tâm, tạo thành những ô phố với lõi trung tâm khu ở. Không gian đô thị được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, tuyến đường hướng tâm và những khu tái thiết đô thị tạo một số điểm nhấn cao tầng trên các trục tuyến phù hợp Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc công trình cao tầng được ban hành. Tại các khu vực xây dựng công trình cao tầng xem xét ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung tiện ích đô thị: Cây xanh, đỗ xe...

Nội dung bảo tồn và phát triển tại các khu vực lập quy hoạch đều tuân thủ theo đúng định hướng Quy hoạch chung đã được phê duyệt. Riêng đối với khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia, khu vực hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt và các công trình di tích, tôn giáo, danh thắng... ngoài tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch đô thị và các nghị định có liên quan, việc quản lý, bảo tồn cần bám sát quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan…

Giãn dân, tái thiết đô thị

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, tại khu vực nội đô lịch sử thời gian qua còn tồn tại không ít bất cập, trong đó nổi cộm là vấn đề hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, nhất là khu vực phía Tây và phía Nam TP như tại quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Ngoài ra, các công trình công cộng đô thị, hệ thống trường học cũng còn thiếu so với quy chuẩn hiện hành… Đặc biệt, diện tích dành cho xây dựng các bãi đỗ xe còn rất hạn chế, gây nên tình trạng quá tải và áp lực cho hệ thống giao thông.

Để giải quyết bất cập trên, một trong những mục tiêu quan trọng của các bản QHPK nội đô lịch sử lần này là di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm, cơ sở đào tạo, y tế và một số trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô. Trên cơ sở đó sẽ bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu. Đồng thời hạn chế phát triển nhà cao tầng tại khu vực này cũng như kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học. “Giai đoạn đến năm 2030, khi TP triển khai đồng bộ các dự án di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị; di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành; phát triển đường sắt đô thị tại khu vực nội đô lịch sử, các chuỗi đô thị Bắc sông Hồng, phía Đông đường Vành đai 4 và các khu đô thị vệ tinh được hình thành cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn chỉnh sẽ dần hút dân số khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng chuyển ra ngoại thành, khi đó TP cần quyết tâm kiểm soát quy mô dân số tại các khu vực theo đúng quy hoạch phân khu đô thị được duyệt” – ông Nguyễn Đức Hùng nêu.

Thông tin về quá trình triển khai lập 6 QHPK đô thị nội đô, ông Nguyễn Đức Hùng cho biết, các đồ án được thực hiện bài bản, cẩn trọng, tuân thủ hoàn toàn theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. Trong đó, quy hoạch được xác định đến từng ô phố, từng ô quy hoạch, tương đương với nhóm nhà. Đồng thời, các đồ án đã được tổ chức lấy ý kiến chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư liên quan, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử…

Cải thiện điều kiện sống của người dân

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, công tác quy hoạch, phát triển đô thị luôn được Chính phủ, các bộ, ngành, Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm chỉ đạo thông qua việc hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách. Quy hoạch luôn được xác định là phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quản lý phát triển đô thị và hình thành các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; cải thiện về cơ bản điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Kinh tế đô thị từng bước khẳng định được vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, gia tăng giá trị lao động tại mỗi vùng và cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Việc UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch các đô thị phân khu tại 4 quận nội đô lịch sử là nhằm triển khai định hướng Quy hoạch xây dựng chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đây cũng là cơ sở pháp lý để xác định các dự án đầu tư xây dựng và triển khai tổ chức lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị khu vực phổ cổ, phố cũ và làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế.
“Sau khi các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị nêu trên được phê duyệt cùng với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt trong thời gian tới sẽ là cơ sở cho việc quản lý, phát triển đô thị tại khu vực nội đô lịch sử theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; cải thiện về cơ bản điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững” – Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ về sự kiện 6 QHPK đô thị nội đô lịch sử, tỷ lệ 1/2000 đã được TP phê duyệt, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long bày tỏ sự vui mừng và cho biết, thời gian tới đây, chính quyền 4 quận sẽ tập trung triển khai nghiêm túc các đồ án QHPK này.
“Với quyết tâm thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc và trật tự xây dựng gắn giữa bảo tồn và phát triển sẽ là động lực quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của các quận nói riêng và Thủ đô nói chung ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025” – ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.

"Trong số 35 QHPK cụ thể hóa quy hoạch chung thì 6 QHPK nội đô có thể coi là những đồ án hết sức quan trọng, rất khó và phức tạp được TP đặt ra trong nhiều năm qua. Từ tháng 10/2012, TP đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch nhưng đến nay đồ án mới đủ các điều kiện về mặt hồ sơ cũng như các quy định pháp lý để chính thức phê duyệt. Khi các quy hoạch này đi vào cuộc sống sẽ giúp Hà Nội giải quyết được những thách thức lớn đang phải đối mặt, đồng thời giúp Hà Nội phát triển xanh – văn hiến – văn minh đúng như định hướng mà Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2011 đã đề ra." - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam


"Được biết thông tin 4 quận trung tâm vừa được TP có quyết định quy hoạch, người dân sống ở phố cổ chúng tôi rất mừng. Bởi lẽ, đất khu phố cổ thì vẫn thế mà người ngày càng đông nên rất chật chội, thiếu thốn nhiều thứ từ chỗ để xe, sân chơi, trường học... dẫn đến bộ mặt phố phường nhếch nhác. Khi có quy hoạch, chúng tôi mong chính quyền TP sớm cải tạo chỉnh trang lại các tuyến phố cho khang trang, sạch sẽ, cuộc sống sinh hoạt của người dân được nâng cao hơn, đỡ vất vả chật vật khi nhà cửa xuống cấp. Đồng thời, mong muốn TP sẽ quy hoạch những khu vực giao lưu buôn bán văn minh, hiện đại phục vụ người dân và du khách chứ không để lộn xộn như hiện nay." - Bà Nguyễn Ánh Nguyệt - Tổ 6, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần