Điều đáng lo ngại là trong năm 2010, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 2 trường hợp tử vong. Và cận Tết Nguyên đán lại chính là thời điểm dịch cúm gia cầm dễ bùng phát.
Thói quen nguy hại
Khu bán gia cầm tại chợ Thành Công sáng Chủ nhật 23/1 tấp nập khách mua bán. Là ngày nghỉ, nhiều người đã chọn gà, ngan, vịt cho bữa cơm gia đình. Những chiếc lồng chen chúc gà sống, gà mái xếp san sát nhau. Người bán thò tay vào lồng, lôi từng con gà ra cho khách chọn. Khách đồng ý mua, chỉ 15 phút sau quay lại đã có một con gà được làm sạch lông, buộc gọn gàng trong túi nilon. Tuy nhiên, lông gà, chất thải và nội tạng chất đống bốc mùi hôi ngay bên cạnh những con gà được giết ngay trên sàn xi măng. Nước thải chảy tràn xuống đường chợ.
Người bán không găng tay, không khẩu trang, dụng cụ giết mổ chỉ có một con dao, một chiếc bát đựng tiết dính đầy lông gà và chiếc nồi đun nước nhúng gà để vặt lông đặt trên một chiếc bếp than. Một nồi nước nhúng hàng chục con gà, nước có màu đen kịt.
Tại nhiều chợ tạm, chợ cóc, việc giết mổ gia cầm còn đơn sơ đến mức người bán chỉ cần một tấm nilon trải xuống đường, đặt gà lên trên và thực hiện các công đoạn cắt tiết, nhổ lông mà không cần rửa. Dọc khu vực chợ tạm Ngã Tư Sở, dù đã được bố trí một khu vực chợ tạm khang trang, song do thói quen kinh doanh, mua bán, cũng có thể do sự thiếu kiểm soát của chính quyền sở tại, người ta lấn chiếm gần hết phần đường để kinh doanh. Trong đó, chủ yếu là mặt hàng thực phẩm tươi sống như cá, thịt, gà lông, gà đã qua giết mổ.
Cả người bán và người mua đều không còn nhớ đến quy định cấm giết mổ gia cầm tại chợ và bán gia cầm sống tại chợ. Khi được hỏi, hầu hết người bán đều trả lời chúng tôi rằng việc giết mổ gà, ngan, vịt vẫn được họ thực hiện hàng ngày và không bị nhắc nhở gì từ Ban Quản lý chợ hay nhân viên kiểm dịch.
Chị Mùi đã bán gà tại chợ tạm Ngã Tư Sở nhiều năm nay cho biết, khách hàng không thích mua gà đã giết mổ sẵn, vì muốn tận mắt được nhìn thấy con gà khi còn sống và lựa chọn theo ý mình. Còn rất nhiều người nội trợ lại lý luận rằng, gia cầm đã qua giết mổ mới đáng lo ngại, vì rất có thể họ sẽ phải lựa chọn gà ốm, gà "dù". Trong khi đó, nếu mua gà sống rồi mới mổ sẽ yên tâm hơn. Ngoài ra, tại các siêu thị cũng có bán gia cầm giết mổ nhưng phần lớn người tiêu dùng cũng không thích sử dụng vì đó là gia cầm được giữ đông lạnh, không còn tươi và không có gà quê, hầu hết toàn gà công nghiệp.
Dây chuyền giết mổ gia cầm hiện đại "đắp chiếu"
Điều đáng nói là việc giết mổ thủ công tại các chợ không thể đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Và đây chính là nguồn lây nhiễm dịch bệnh nhiều nhất. Năm 2010, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 2 trường hợp tử vong.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Long Thành, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho biết, dù chưa phát dịch, song virus H5N1 vẫn có thể lưu hành trên đàn gia cầm và lây truyền cho con người. Bởi vậy, không thể chủ quan buông lỏng kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, dường như vẫn buông lỏng việc kiểm dịch, kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm và gia súc. Thậm chí, ngay cả việc đóng dấu kiểm dịch trên gia cầm đã giết mổ dường như cũng khó tìm thấy trên các con gia cầm được bày bán.
Có một điều đáng buồn, là chính các doanh nghiệp giết mổ gia cầm cũng đã từng nhiều lần có ý kiến với lãnh đạo TP Hà Nội về vấn đề này, và chính họ cũng phải "bó tay" không thể "cạnh tranh" được với tình trạng giết mổ thủ công, sơ sài tại các chợ như hiện nay. Ông Phan Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH NN một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) cho biết, đơn vị của ông có dây chuyền giết mổ gia cầm hiện đại, nhưng càng hoạt động càng lỗ. Đây là một nghịch lý chua xót bởi lẽ, có những thời điểm, dây chuyền lại đã bị "đắp chiếu", trong khi người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thịt gia cầm bẩn.
Theo ông Nguyệt, khi dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh mẽ vào thời điểm năm 2005-2006, công ty đã đầu tư xây dựng một cơ sở giết mổ hiện đại với công suất từ 700-1.000 con gia cầm với số tiền đầu tư trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi xây dựng, cơ sở giết mổ này chỉ hoạt động có 6 tháng, và số tiền thua lỗ cũng bằng đúng số tiền đầu tư xây dựng. Nguyên nhân là do mỗi con gia cầm đưa vào giết mổ tại đây phí giết mổ sẽ tăng khoảng 5.000đ. Trong khi đó, ngay tại lề đường, ngoài chợ, không mất phí giết mổ...
Như vậy, rõ ràng, việc kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh gia cầm tại các chợ rất quan trọng, bởi nếu chỉ cần nghiêm túc thực hiện đúng các quy định, sẽ không còn tình trạng gà sạch bị "chê", còn gà bẩn lại được ưa chuộng như hiện nay. Việc buông lỏng kiểm soát, kiểm dịch việc vận chuyển, buôn bán gia cầm đã được đề cập rất nhiều, nhưng ngay chính các cơ quan có trách nhiệm là thú y và quản lý thị trường dường như vẫn chưa có biện pháp chặt chẽ và nghiêm túc trong việc thực hiện các văn bản yêu cầu của UBND TP Hà Nội.