Hà Nội: Công nhân vệ sinh môi trường gồng mình trong nắng nóng

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới cái nắng khắc nghiệt của thời tiết Hà Nội trong mấy ngày vừa qua, những người lao động ở Thủ đô luôn phải gồng mình để mưu sinh. Và cũng có những người vẫn phải miệt mài với công việc để góp phần xây dựng Thủ đô luôn xanh, sạch, đẹp.

 Chị Nguyễn Hồng Thúy - Công nhân Tổ Môi trường số 5, Chi nhánh Đống Đa làm việc dưới nắng nóng đỉnh điểm trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa.
Những ngày qua, Hà Nội trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt, nhiệt độ ngoài trời có những lúc lên hơn 40 độ C… Nắng khắc nghiệt kết hợp bề mặt vật liệu bê tông, nhựa đường hấp thụ nhiệt và tán nhiệt trở lại vào không khí khiến người đi ngoài đường có cảm giác như đi vào giữa "chảo lửa". Thế nhưng, với nhiều người nắng nóng hay mưa bão là “chuyện của trời”, càng những lúc như vậy, họ càng phải căng mình ra để làm việc, vừa để mưu sinh, vừa để giữ cho Thủ đô luôn xanh, sạch, đẹp…
 Theo Chị Nguyễn Hồng Thúy với những công nhân môi trường, nắng mưa là chuyện của trời, nhiệm vụ của họ là nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao để góp phần xây dựng thủ đô luôn sạch, đẹp.
Chị Nguyễn Hồng Thúy - Công nhân Tổ Môi trường số 5, Chi nhánh Đống Đa (người đã 27 năm công tác trong lĩnh vực vệ sinh môi trường) chia sẻ: "Thời tiết như này rất nguy hiểm, làm việc ngoài trời trong một thời gian ngắn cũng đủ khiến người ta bị say nắng. Song, dù là nắng nóng hay mưa bão… công việc của chúng tôi không thể bỏ, vẫn phải hoàn thành theo đúng nhiệm vụ được giao để đảm bảo môi trường Thủ đô luôn sạch đẹp".
“Để vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, ngoài việc được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Chi nhánh, điều khiến chúng tôi có thể bám trụ với cái nghề đầy gian nan, vất vả này không gì khác chính là lòng yêu nghề” - chị Nguyễn Hồng Thúy kể.
Trong khi đó, trên tuyến Đại lộ Thăng Long, lau vội những giọt mồ hôi đang chảy thành dòng trên khuôn mặt đen sạm, cháy nắng… anh Trần Văn Thanh - Tổ Sản xuất số 2 Đại lộ Thăng Long, Chi nhánh Cầu Diễn (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) chia sẻ, nắng nóng ai chẳng mệt nhưng với chúng tôi đây cũng chỉ là những công việc “bình thường”.
 Anh Trần Văn Thanh - Tổ Sản xuất số 2 Đại lộ Thăng Long, Chi nhánh Cầu Diễn (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) làm nhiệm vụ trên tuyến Đại lộ Thăng Long.
Nói về cái sự “bình thường” của mình, anh Trần Văn Thanh cho biết, ở tuyến Đại lộ Thăng Long này, nắng nóng bình thường cũng khiến mặt đường chẳng khác gì một cái “chảo đặt trên bếp lửa hồng”… Song, do đã gắn bó với nghề, tiếp xúc với đủ loại thời tiết khắc nghiệt nên da dẻ và cơ thể dường như cũng đã quen rồi.
“Khi mới vào nghề, đối diện với thời tiết như này, nhiều công nhân đã bị say nắng, ốm nằm bệt mấy hôm, nhưng công việc là công việc, không thể dừng được… chúng tôi phải cố gồng mình, vượt qua những thử thách của thời tiết để hoàn thành nhiệm vụ được giao” - anh Trần Văn Thanh nói.
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Văn Thắng - Xí nghiệp Thi công cơ giới, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, nắng nóng là thời điểm không ai muốn ra đường, song với những công nhân ngành thoát nước đây lại thời điểm hết sức quan trọng trong việc đảm bảo hệ thống thoát nước của Thủ đô. Ông Phạm Văn Thắng lý giải rằng, thông thường, sau mỗi đợt thời tiết nắng nóng kéo dài tiếp theo đó có thể là những trận mưa, bão… Do đó, đây chính là “thời điểm vàng” để ngành thoát nước khơi thông hệ thống đường cống, kênh, mương… nhằm đảm bảo việc vận hành thông suốt của hệ thống thoát nước.
Ông Phạm Văn Thắng - Xí nghiệp Thi công cơ giới, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội làm sạch hệ thống thoát nước giữa nắng nóng đỉnh điểm ở Hà Nội.

Do đặc thù của công việc và theo quy định của TP, nên việc tổ chức chui cống gầm, nạo vét lòng sông, mương… của những công nhân thoát nước không được thực hiện vào giờ cao điểm. Do đó, thời gian để họ thực hiện nhiệm vụ cũng là lúc thời tiết ở giai đoạn khắc nghiệt nhất.
“Không gian dưới cống ngầm rất nhỏ, bí và có đủ các loại rác rưởi đang trong giai đoạn phân hủy khiến bầu không khí càng trở lên ngột ngạt, oi bức, nóng… rất nguy hiểm đối với những công nhân trực tiếp làm nhiệm vụ. Song, dù nguy hiểm, vất vả nhưng trên vai chúng tôi là trách nhiệm của ngành thoát nước với TP, với Nhân dân Thủ đô…, chúng tôi vẫn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - ông Phạm Văn Thắng cho hay.  
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nụ (quê Thái Bình) - một người nhặt rác trên phố Phương Mai chia sẻ, lên Thủ đô và gắn bó với công việc này cũng đã được gần chục năm, nhưng chưa bao giờ cảm thấy cuộc sống khó khăn như hiện tại. Trước đây, khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát mạnh, công việc hàng ngày của chị Nguyễn Thị Nụ là sáng và đêm sẽ tranh thủ đi nhặt phế liệu, trưa và chiều tối đi rửa bát thuê tại một nhà hàng trên phố Tân Mai.
 Với chị Nguyễn Thị Nụ (quê Thái Bình)  kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhà hàng phải đóng cửa, người lao động phải tạm nghỉ. Từ khi mất đi công việc rửa bát thuê, công việc chính, nguồn thu chính chỉ có thể dựa vào lượng phế thải nhặt được.
"Người khôn của khó, nếu không chịu khó thì cả ngày nhặt nhạnh cũng chẳng đủ nuôi thân nói gì đến gửi về cho gia đình… Càng nắng nóng, càng ít người ra đường thì cơ hội để nhặt được phế thải càng cao… Thế nên, dù vất vả, nguy hiểm, chúng tôi vẫn phải cố để có thêm thu nhập gửi về chăm sóc con cái ở quê” - chị Nguyễn Thị Nụ bùi ngùi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần