Báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 3/2020, có 7/11 nhóm hàng có chỉ số giảm so với tháng trước. Giảm sâu nhất là nhóm giao thông giảm 4,19% (do giá xăng dầu trong tháng điều chỉnh giảm). Tiếp đến là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,97% (do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tour du lịch quốc tế và trong nước giảm nên giá các tour du lịch giảm mạnh).
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,77% (trong đó thực phẩm giảm 1,31% chủ yếu do thời tiết thuận lợi, rau xanh phát triển tốt, giá thịt lợn có xu hướng giảm nhẹ so tháng trước; thịt bò, cá và gia cầm dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu của người dân).
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,54% (do giá ga và giá dầu hỏa thế giới giảm sâu nhất trong nhiều năm trở lại đây); nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,25% (do ảnh hưởng kép của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ). Nhóm hàng dịch vụ khác giảm 0,25%; nhóm bưu chính, viễn thông giảm nhẹ 0,07%.
Bên cạnh đó, một số nhóm hàng có chỉ số giá tăng nhẹ: Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,02%.
Giá vàng và giá đô la Mỹ tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2020 đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng tăng 3,49% so với tháng trước; tăng 10,36% so với tháng 12/2019 và tăng 24,45% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 3 tháng đầu năm tăng 21,09% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 0,29% so với tháng 12/2019 và tăng 0,24% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 3 tháng đầu năm tăng 0,16% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TP đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Báo cáo của Sở Công Thương, Hà Nội đang triển khai bình ổn thị trường với lượng hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian có dịch bệnh với tổng giá trị hàng hóa khoảng 174.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ, các siêu thị vừa và nhỏ cũng đã sẵn sàng các phương án dự trữ tăng hơn so với bình thường nhằm cung ứng đầy đủ cho người dân TP.
Ngoài ra, Hà Nội đã triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản đang/sắp vào vụ thu hoạch trước nguy cơ dư nguồn cung, giải tỏa áp lực cho hoạt động xuất khẩu trước tác động của dịch bệnh. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy thương mại nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt; khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất.