Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đảm bảo bữa cơm an toàn trong các trường học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên địa bàn TP vẫn còn 12% các trường chưa xuất trình được hóa đơn nguồn gốc thực phẩm; 7% cơ sở chưa xuất trình giấy kiểm dịch thú y.

Theo Chi cục An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, qua kiểm tra các bếp ăn, căng-tin của các trường từ mầm non đến trung học phổ thông năm 2014, có 80% các bếp ăn, căng-tin đạt chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn lại 20% chưa đạt.

Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các nhà trường, ngành giáo dục Hà Nội triển khai nhiều biện pháp như: tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, chấn chỉnh hoạt động bán hàng ở căng tin và các bếp ăn bán trú...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện toàn thành phố có 1.410 trường có bếp ăn tập thể, cung cấp trung bình 1.410.000 suất ăn/ngày. Trong đó, có 1.087 trường tự tổ chức nấu ăn, 323 trường liên kết ký hợp đồng với cơ sở dịch vụ nấu ăn ngoài… Các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội có bếp ăn bán trú đều được đầu tư xây dựng theo đúng quy định, có kho bảo quản thực phẩm tủ bảo quản, lưu mẫu thức ăn và dụng cụ chế biến sống, chín riêng biệt... Tất cả các trường đều ký hợp đồng với các cơ sở có tư cách pháp nhân cung cấp thực phẩm, sử dụng nước uống đóng chai.

Tại trường Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được giám sát từ nguồn cung ứng đến các trang thiết bị phục vụ chế biến. Đặc biệt là khâu chọn thực phẩm tươi, giữ vệ sinh khu vực nấu nướng và dụng cụ nấu ăn luôn sạch sẽ…

Bà Phí Thị Tình, cán bộ phụ trách y tế Trường tiểu học Khương Thượng cho biết: “Tôi nhắc nhở tất cả những nhân viên bán trú vệ sinh các khâu ở trong lớp, lau rửa các dụng cụ mà học sinh hay cầm nắm để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho các con đặc biệt là các cốc uống nước. Về nhà bếp, thực phẩm phải đảm bảo, có nguồn gốc có đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả các công tác nhà trường chuẩn bị chu đáo”.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn 12% các trường chưa xuất trình được hóa đơn nguồn gốc thực phẩm; 7% cơ sở chưa xuất trình giấy kiểm dịch thú y, sản phẩm gia súc, gia cầm. Đối với thực phẩm bao gói sẵn có tới gần 21% bếp ăn tập thể chưa lưu hồ sơ công bố sản phẩm của nhà cung cấp, phiếu kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm....

Để khắc phục những tồn tại này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở cung cấp nguồn thực phẩm đầu vào cho các trường học. Các trường tăng cường công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm lồng ghép các tiểu phẩm qua giờ sinh hoạt, qua tranh ảnh tại căng tin của nhà trường, bảng tuyên tuyền, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh.

Em Cao Văn Sinh, học sinh lớp 10 trường THPT Chu Văn An cho biết: “Học sinh chúng em được các thầy cô dạy trong tiết giáo dục công dân về vệ sinh an toàn thực phẩm phải ăn chín uống sôi, không được ăn đồ ăn vặt ở trước cổng trường, vì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bọn em được cô cho thực hiện những kỹ năng sống, những hoạt động được các bạn diễn kịch trong lớp. Các tiểu phẩm này chứa đựng thông điệp là các bạn phải biết ăn uống cho hợp vệ sinh”.

Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp với Chi cục an toàn thực phẩm thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các trường về kỹ năng phòng, chống ngộ độc thực phẩm và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên cấp dưỡng.

Bà Hoàng Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội cho biết: “Chúng tôi tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục không có bếp ăn bán trú tại trường nhưng lại hợp đồng với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Chi cục chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn để đảm bảo những cơ sở cung cấp đó đảm bảo an toàn thực phẩm để có thể là nguồn mà cung cấp thức ăn cho các trường học”.

Tháng 11 tới, ngành giáo dục Hà Nội phối hợp với ngành y tế và các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo 100% các trường học đều được kiểm tra về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời yêu cầu các bếp ăn tập thể trong trường học phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đặc biệt lưu ý các cơ sở cung cấp bữa ăn sẵn cho các trường.

Về lâu dài, các trường cần thống nhất với hội phụ huynh trước khi ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm về nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, hạn chế sử dụng chất phụ gia, vận chuyển bằng xe chuyên dụng và nhất là thường xuyên thay đổi thực đơn thức ăn tạo cảm giác ngon miệng, góp phần đảm bảo sức khỏe của học sinh.