Hà Nội đặt mục tiêu 55% người dân mua sắm trực tuyến vào 2025

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 55% vào năm 2025, tăng trưởng trung bình 2% hàng năm.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP, với mục tiêu phấn đấu nâng tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 55% vào năm 2025; tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 2%.
Hà Nội đặt mục tiêu hơn nửa người mua sắm trực tuyến vào 2025. Ảnh minh họa

Cụ thể, về quy mô thị trường thương mại điện tử, TP đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP tăng trưởng trung bình hằng năm so với năm trước khoảng 20%. Phấn đấu tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 55% vào năm 2025; tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 2%.

Đặc biệt, đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Trong đó, thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%; 70% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; phối hợp xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử.

Về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp, đến năm 2025 có 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến. 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động. 90% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

Để thực hiện được các mục tiêu này, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện tiếp tục xây dựng và phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Cụ thể, thành phố sẽ nâng cấp website "Bản đồ mua sắm TP Hà Nội); phát triển logistics điện tử phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử;

Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp trong thương mại và dịch vụ công; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR Code,… đảm bảo an ninh an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử...