Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đầu mùa lễ hội: Thường trực nhiều nỗi lo

Linh Anh – Ánh Ngọc - Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua, Mùng 6 tháng Giêng (tức 2/2/2017), hàng vạn du khách đã tham dự khai hội chùa Hương, đền Sóc, đền Hai Bà Trưng, Cổ Loa…

Gần 500 công an, lực lượng bảo vệ, thậm chí có lễ hội huy động tối đa thanh niên tình nguyện túc trực tại các điểm “nóng” nhưng vẫn không ngăn hết được hành động xô đẩy, giẫm đạp trong lễ hội.
Hơn 4 vạn người khai hội chùa Hương
Suối Yến chùa Hương ngày khai hội tấp nập từ 2 giờ sáng. Người lái đò không ngừng tay trèo từ quá nửa đêm đến chiều tối để đón một lượng khách gần 4 vạn người, tăng vọt so với các ngày trước khai hội. Đúng 9 giờ 30 phút sáng 2/2, Thượng tọa Thích Minh Hiền (trụ trì chùa Hương) đã đánh trống mở màn cho một mùa hội kéo dài đến hết tháng 3 năm Đinh Dậu. Hàng nghìn người bắt đầu dâng lễ, bước nối bước đi từ Thiên Trù lên động Hương Tích để làm lễ Phật. Ông Nguyễn Chí Thanh – Trưởng ban Quản lý Khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, do năm nay lượng khách tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nên Ban Quản lý đã huy động 100% nhân sự túc trực làm nhiệm vụ không kể ngày đêm tại trạm soát vé, cổng rích rắc, quản lý dịch vụ hàng quán…

Du khách thập phương trẩy hội chùa Hương ngày khai hội.         Ảnh: Phạm Hùng

Tại Khu di tích lịch sử đền Sóc, tiếng chuông cùng tiếng trống đã được thỉnh lên chào mùa hội năm 2017. Các lễ vật của 8 thôn như giò hoa tre, trầu cau, voi chiến, ngựa sắt… đều xếp hàng chờ đến lượt lễ thánh và tán lộc. Từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Lễ hội đền Sóc thu hút đông đảo du khách dự hội không chỉ ở các quận, huyện xung quanh mà còn từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... Cho dù Hội đền Sóc khai mạc vào ngày đầu tiên đi làm sau dịp nghỉ lễ nhưng bà con thập phương vẫn dự hội với con số hàng vạn.
Cùng khai mạc vào sáng 2/2, tại huyện Mê Linh và Đông Anh cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm 1.977 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khai hội Đền thờ Hai Bà Trưng và lễ hội Cổ Loa. Thống kê của Ban tổ chức (BTC) lễ hội cho thấy, chỉ trong ngày đầu khai hội (2/2) đã có gần 1 vạn du khách đến vui Xuân tại lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng và hơn 1,2 vạn du khách đến với lễ hội Cổ Loa. “Không chỉ trong 2 ngày chính hội, ngay từ ngày mùng 2 Tết, đền Cổ Loa đã đón hàng ngàn lượt du khách về trẩy hội mỗi ngày” – bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Đông Anh cho biết. Cũng giống như hầu hết các lễ hội lớn khác của Hà Nội, lễ hội đền Cổ Loa vẫn duy trì được nhiều trò chơi truyền thống, đặc biệt là hội thi thổi cơm niêu...
Giữ được lễ hội 4 “sạch”
Trước mùa lễ hội, Hà Nội đưa ra mục tiêu hướng đến lễ hội “sạch” trên cả 4 vấn đề: VSMT, an ninh trật tự, ATTP, an toàn phòng cháy chữa cháy. Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trong ngày đầu khai hội, hầu hết các đơn vị tổ chức đều không để xảy ra tình trạng rác thải bừa bãi, dịch vụ hàng quán cũng được kiểm soát khá chặt chẽ về nguồn thực phẩm cũng như cách chế biến.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội cho biết, để có một mùa lễ hội được thành công tốt đẹp, xứng đáng với chủ đề “Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch”, BTC lễ hội đã nỗ lực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về cả cơ sở vật chất cũng như điều kiện ATGT, VSATTP, an ninh trật tự, môi trường... tạo thuận lợi cho du khách trẩy hội. Năm nay, công tác vệ sinh môi trường được đặc biệt quan tâm, chủ đò còn đèo thêm sọt rác để du khách khỏi xả xuống suối. Du khách nhìn chung ý thức hơn, nhưng công nhân vớt rác dọc suối Yến vẫn làm không ngơi tay. Vài năm nay BTC cũng cố gắng dẹp nạn treo thịt thú rừng, thú nuôi ở chùa Hương.
Tại Đền Hai Bà Trưng và Cổ Loa, lực lượng công an, dân phòng, thanh niên tình nguyện được bố trí, túc trực thường xuyên với mục tiêu xử lý kịp thời, triệt để những vấn đề phát sinh ngay trong quá trình diễn ra lễ hội. Dù vẫn còn đó một số hình ảnh chưa đẹp liên quan tới tổ chức kinh doanh, buôn bán, tuy nhiên, du khách thập phương có thể cảm thấy tương đối hài lòng về không gian lễ hội tại hai khu di tích. Hàng quán tại Lễ hội đền Sóc cũng được phân bố hợp lý dọc hai bên đường từ cửa khu di tích vào khu vực bảo vệ 2. Toàn bộ khu vực 1, khu diễn ra chính hội không có hàng rong, bày bán lễ vật, giữ nguyên không gian trẩy hội cho du khách.
Mướt mồ hôi ngăn bạo lực
Thông thường vài năm nay, vào ngày khai hội đền Sóc và chùa Hương sẽ là tâm điểm chú ý của dư luận cho những nỗi lo bạo lực, phản cảm lễ hội. Năm 2015, nhiều người dân tham gia lễ hội đền Sóc từng đánh nhau đến chảy máu vì tranh cướp giò hoa tre. Năm 2016 để có được lộc trầu cau, người dân đã xô vỡ lư hương tại đền Mẫu. Vì vậy, lễ hội năm nay không chỉ đông đặc công an (218 người) mà còn có 200 thanh niên tình nguyện và thanh niên các thôn dâng lễ vật để ngăn chặn người dân cướp lộc trên đường đi tế lễ.
Tuy nhiên, sau khi lực lượng bảo vệ hô cướp theo tục lệ truyền thống, hàng trăm người ùa vào vài mét vuông sân đền Hạ, đền Mẫu để tranh cướp. Giẫm đạp, xô đẩy khiến một vài người xây xát nhẹ. Dẫu vậy, ông Nguyễn Nam Nho – Giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử đền Sóc, Phó Trưởng BTC lễ hội đánh giá: “Năm nay vì lực lượng bảo vệ không có hung khí nên không có sự gây gổ, giữ lộc quyết liệt gây thương tích. Một số người cường điệu hóa việc tranh giành, thương vong trong nghi lễ cướp lộc tại lễ hội đền Sóc. Nhưng tôi đánh giá công tác tổ chức năm nay đã tốt hơn mọi năm, lực lượng bảo vệ đã giữ được lễ vật hoàn thành các màn nghi lễ xong mới hạ lễ cướp lộc, chứ không bị cướp ngang chừng như mọi năm. Đã tranh giành không thể tránh được xô đẩy, nhưng không có ai bị thương là thành công”.
Ngay sau khi khai hội chùa Hương được vài giờ, trên các phương tiện thông tin đại chúng lan truyền hình ảnh phản cảm của nhà sư đứng trên cao ném vòng phát lộc. Ông Nguyễn Chí Thanh cho rằng đây là hành động tự phát của nhà sư, chứ việc phát lộc này không có trong chương trình do BTC. Ngoài ra, Đại tá Lê Xuân Văn - Trưởng Công an huyện Mỹ Đức cũng đã đưa ra những thông tin chính thức cho hành động một nhóm thanh niên đánh một cụ bà tại khu vực đền Thiên Trù hôm 1/2. Khi xảy ra sự việc, số lượng du khách đến quá đông nên cô gái đã vô tình giẫm lên chân bà cụ. Sau đó, hai bên đã có lời qua tiếng lại, một thanh niên trong nhóm cô gái gạt chiếc gậy của cụ già khiến bà cụ ngã ra đất, không có chuyện xô xát hay bị thương như dư luận trên mạng phản ánh. Ngay sau sự việc, lực lượng công an ở khu vực này đã kịp thời can thiệp. Tôi đã trực tiếp vào đó kiểm tra hồ sơ, biên bản hòa giải giữa hai bên rồi. Đó là sự việc nhỏ, lẽ ra không nên có” - Đại tá Lê Xuân Văn khẳng định.
Các lễ hội du Xuân của Hà Nội còn diễn ra tập trung từ nay đến hết rằm tháng Giêng, nhiều lễ hội kéo dài 3 tháng. Vì vậy, những vẫn đề giữ gìn văn minh lễ hội, ngăn chặn bạo lực, đốt vàng mã nghi ngút hoặc rải tiền lẻ bừa bãi sẽ còn là nỗi lo thường trực của các thành viên BTC lễ hội.
Giao trách nhiệm cho các đơn vị tổ chức lễ hội khi triển khai công tác tổ chức và quản lý lễ hội 2017, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu: Các đơn vị tổ chức lễ hội phải có chương trình chi tiết, chú trọng phân công rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và người chịu trách nhiệm. Trong đó, các Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa, xã hội phải quyết liệt hơn nữa, nâng cao tinh thần chịu trách nhiệm trước UBND địa phương và TP về tất cả các hoạt động có trong lễ hội.

“Tôi có chứng kiến cảnh nhà sư phát lộc cho du khách sau nghi lễ múa rồng tại Lễ khai hội chùa Hương. Mọi người đón lộc chứ không đến mức tranh cướp nhau như dư luận phản ánh. Tuy nhiên, phát lộc là việc làm mới, đề nghị BTC lễ hội chùa Hương cần đánh giá xem xét có phù hợp thì mới được tổ chức phát lộc cho các năm sau”.
Phó Giám đốc Sở VH&TT  Trương Minh Tiến 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính
Ngày 2/2, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Theo đó, cùng với biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương cùng các lực lượng đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong dịp Tết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, tỉnh, TP đề cao trách nhiệm, nêu cao quyết tâm, phấn đấu ngay từ những ngày đầu năm mới tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch... về phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Quán triệt chủ đề hành động năm 2017 của Chính phủ là “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”, xây dựng và triển khai chủ đề hành động của ngành mình, cấp mình, tập trung cao độ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, công việc theo mục tiêu, chương trình, kế hoạch đã đề ra. Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ cũng tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công... (Bảo Quyên)