Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH Hà Nội, tính đến ngày 31/8/2017, trên địa bàn TP Hà Nội có 371 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, Hà Nội có 108 trường trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) công lập và tư thục, đào tạo được 39.684 lượt người ở các trình độ từ dưới 3 tháng đến CĐ. Thực hiện Kế hoạch số 73/KH-UBND, năm 2017 sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 23.415 lao động nông thôn (13.590 nghề nông nghiệp, 9.825 nghề phi nông nghiệp).
Thực hiện Chương trình 04 – Ctr/TU của Thành uỷ, trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, đã có 6.932/9.337 học sinh, sinh viên tốt nghiệp được DN tuyển dụng theo đặt hàng trong các trường công lập thuộc TP. Đặc biệt, một số ngành nghề thuộc lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật, điện tử, may mặc,... còn thiếu chỉ tiêu so với nhu cầu tuyển dụng đặt hàng của DN.Đặc biệt, đẩy mạnh, phát huy hơn nữa việc đào tạo gắn với DN là một trong những giải pháp quan trọng để TP nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 15/3/2017 và có văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai. Đến nay 5/5 trường tham gia kế hoạch năm 2017 đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo lộ trình và xác định được 21 DN để phối hợp đào tạo và cam kết tuyển dụng. Đồng thời đôn đốc triển khai xây dựng 3 trường CĐ nghề công lập chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế. Đó là Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội đầu tư 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực Asean, Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội đầu tư 4 nghề cấp độ quốc tế, Trường CĐ nghề Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội được bổ sung vào danh sách các trường được ưu tiên tập trung đầu tư theo tiêu chí trường chất lượng cao với mục tiêu đầu tư 6 nghề trọng điểm. Tại Hội nghị này, nhiều trường đào tạo nghề cho biết gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Một số trường có cơ sở vật chất xuống cấp (CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, CĐ Y Hà Nội...), khó khăn về trang thiết bị thực hành do sự phát triển của công nghệ (CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội) nên đề nghị TP đầu tư kinh phí để bảo đảm hoạt động dạy nghề đạt chất lượng... Một số trường TC gặp trở ngại trong việc phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT về phối kết hợp dạy nghề và học văn hoá. Công tác phân luồng trong tuyển sinh đi học nghề chưa đạt yêu cầu do thiếu nguồn. “Mỗi năm cả nước có hơn 900.000 học sinh tốt nghiệp THPT, nhưng các trường đại học tuyển hơn 500.000 chỉ tiêu. Như vậy, với khoảng 400.000 chỉ tiêu còn lại nếu chia đều cho các trường dạy nghề số lượng sẽ rất ít. Vì vậy cần quy hoạch lại cơ cấu đào tạo giữa các trình độ” – Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh kiến nghị. Để giải quyết khó khăn trong công tác đào tạo nghề, 3 tháng cuối năm 2017, Sở LĐTB&XH Hà Nội để ra 6 nhiệm vụ cùng 6 giải pháp thực hiện. Trong đó chỉ đạo các nhà trường nâng cao tỉ lệ tuyển sinh trình độ CĐ, TC nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực tay nghề cao cho thị trường lao động của TP.Tiếp đến, triển khai thực hiện Đề án rà soát, sáp xếp nâng cao chất lượng đào tạo nghề các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi được TP phê duyệt. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục nghè nghiệp trên địa bàn thành phố...