Đó là các tuyến phố thuộc trục Hàng Đào - Đồng Xuân và xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Cụ thế 10 tuyến phố đó là: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Tràng Tiền (từ đầu Hàng Khay đến Ngô Quyền). Quá nhiều bất cập từ những tuyến đã làm thí điểm Từ năm 2004, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng tuyến phố đi bộ kết hợp với phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ trên tuyến phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân. Qua khảo sát, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, mặc dù có những thành công nhất định nhưng trong quá trình hoạt động, tuyến phố đi bộ, chợ đêm đã bộc lộ nhiều bất cập. Khách du lịch khi đến đây đều có nhận xét, việc bố trí, sắp xếp gian hàng quá dầy đặc cũng như tình trạng các sạp hàng tự nhiên phát triển trên vỉa hè không theo quy hoạch gây khó khăn cho khách tham quan, điều này làn ảnh hưởng đến mục đích đi bộ và thưởng ngoạn của du khách. Ông Tân cho rằng, phần lớn hàng hóa bày bán trên tuyến phố đơn điệu, lại không được niêm yết giá gây khó khăn cho du khách đến mua sắm. Tuyến phố đi bộ, chợ đêm chỉ hoạt động vào những ngày cuối tuần, thời gian kinh doanh ngắn làm tăng chi phí lưu thông. Chính vì vậy, các doanh nghiệp lớn có thương hiệu, các làng nghề, phố nghề chưa muốn đầu tư, tham gia kinh doanh trên tuyến phố đi bộ, chợ đêm. “Tình trạng thiếu bãi gửi xe cho người dân và khách tham quan, mua sắm ngày càng trở nên trầm trọng; mức trông giữ xe cũng không tuân thủ theo quy định của nhà nước”, Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay. Về phương án tổ chức giao thông tại các phố có nút giao với tuyến phố đi bộ còn nhiều bất hợp lý, đặc biệt là các ngày lễ, tết. Do đó, việc tổ chức giao thông cần phải tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện hơn. Trên 70% hộ dân ủng hộ Để phát huy nét giá trị văn hóa cổ, đồng thời phát huy tiềm năng du lịch, thương mại, dịch vụ vốn có của “Hà Nội 36 phố phường”, ông Tân cho hay, thành phố rất cần tổ chức một số tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Việc này còn có mục tiêu bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo nét đẹp về văn hóa văn minh đô thị đặc trưng của Hà Nội. Đề án tập trung tổ chức giao thông nhằm tạo ra một không gian đi bộ cho người dân đến tham quan, mua sắm, vui chơi tại khu phố cổ. Qua điều tra, Sở Giao thông vận tải cho biết khu vực triển khai tuyến phố đi bộ có 925 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, trong số này có 657 hộ ủng hộ đề án (chiếm 71%). 44 tuyến phố bị ảnh hưởng gián tiếp của đề án, có gần 5.900 hộ dân, trong đó có hơn 4.000 phiếu ủng hộ (chiếm 70,4%). Người dân khu vực triển khai phố đi bộ có hơn 1.500 phương tiện giao thông và phần lớn để ở nhà, số ít còn lại gửi ở các bãi xe lân cận. “Khi tổ chức tuyến phố đi bộ cần tính toán bố trí các điểm gửi xe đủ đáp ứng cho người dân sinh sống tại khu vực đề án triển khai và cả cho khách đến tham quan, mua sắm nhằm giảm ùn tắc và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông”, ông Tân phân tích. Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, trên cơ sở những tuyến phố đã thí điểm đề án lần này tập trung nghiên cứu sâu về việc tổ chức giao thông, tính toán bố trí chỗ để xe, bố trí điều chỉnh các tuyến xe buýt vào các ngày triển khai tuyến phố đi bộ và đề ra các cơ chế chính sách quản lý vận hành tuyến phố đi bộ phù hợp với thực tế. Phạm vi triển khai đề án sẽ là các tuyến phố đi bộ Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Tràng Tiền (từ đầu Hàng Khay đến Ngô Quyền). Thời gian tổ chức vào hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn. Sở Giao thông vận tải đề xuất thời gian bắt đầu của các tuyến phố đi bộ từ 6h sáng thứ 7 và kết thúc vào 22h tối chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn của Thủ đô, cả nước. Thời điểm triển khai phương án từ 1/12/2011.