Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Điều chỉnh, bổ sung danh mục 55 công trình trọng điểm

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/12, Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 trên địa bàn TP, danh mục các công trình trọng điểm và danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng ưu tiên phát triển giai đoạn 2016 - 2020 của TP.

Trong đó, bổ sung Dự án xây dựng cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (vành đai 2,5). Dự án sử dụng vốn Ngân sách TP, tổng mức đầu tư dự kiến 503 tỷ đồng; đã được HĐND TP chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 477/HĐND-KTNS ngày 19/9/2017.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Cùng với đó là Dự án xây dựng hầm chui tại nút giao đường vành đai 2,5 - Giải Phóng (QL1A cũ) thuộc địa bàn quận Hoàng Mai. Dự án sử dụng vốn Ngân sách TP, tổng mức đầu tư dự kiến 672 tỷ đồng đã được HĐND TP chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 407/HĐND-KTNS ngày 23/8/2017. Và Dự án xây dựng Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 theo hình thức hợp đồng BT, tổng mức đầu tư dự kiến 550 tỷ đồng. Dự án do Công ty CP Tasco đề xuất đã được Ban Cán sự Đảng UBND TP tổng hợp vào danh mục các dự án PPP và báo cáo Thường trực Thành ủy trong tháng 9 vừa qua.
Bên cạnh 3 dự án được bổ sung nêu trên, Nghị quyết cũng cho phép điều chỉnh hình thức đầu tư đối với một số dự án khác. Cụ thể, Điều chỉnh từ “Ngân sách TP, ODA” thành “Ngân sách TP và BT” đối với 4 tuyến đường sắt đô thị, hiện đang nghiên cứu cơ chế thực hiện. Riêng 2 Dự án: Tuỵến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai vẫn giữ nguyên hình thức đầu tư “Ngân sách TP, ODA”. Điều chỉnh từ “BOT” thành “BOT hoặc BT” đối với 3 Dự án: Cầu Thượng Cát (bao gồm đường 2 đầu cầu); Vành đai 4: Từ QL32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh. Điều chỉnh từ “PPP đặc thù” thành “Xã hội hóa theo Nghị qưyết 93 của Chính phủ” đối với Dự án Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội tại Tây Hồ.
Như vậy, danh mục công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2016 - 2020 sau điều chỉnh, bổ sung sẽ bao gồm 55 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 487.183 tỷ đồng gồm 27 dự án thực hiện bằng nguồn vốn Ngân sách TP và ODA; 26 dự án đầu tư theo hình thức PPP; 2 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Bên cạnh đó, HĐND TP cũng yêu cầu cập nhật thông tin của một số dự án cho phù hợp với thực tiễn triển khai.
Các đại biểu cũng thống nhất một số vấn đề xoay quanh Dự án “Hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Dự án gồm 2 hợp phần: Hỗ trợ thực hiện dự án (là các hoạt động trực tiếp hỗ trợ việc thực hiện tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 3 do chủ đầu tư đảm trách) và cung cấp các chương trình đào tạo cho cán bộ của Ban quản lý ĐSĐT Hà Nội. Tổng vốn dự án là 6.520.028USD, trong đó vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 5.800.000 USD và vốn đối ứng là 720.028 USD. Theo Quyết định số 2332/QĐ-TTg ngày 23/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục tài trợ dự án, cơ chế tài chính đối với phần vốn vay ODA là vay lại. UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm vay lại với Bộ Tài chính toàn bộ vốn ODA là 4.107.000 SDR, tương đương 5.800.000USD. Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP Hà Nội cũng đề nghị UBND TP quản lý chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả tư vấn nhằm thực hiện Dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lưọng; thực hiện kiểm toán Dự án theo quy định.