Theo đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2018, không còn xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố dưới 1,2%; riêng tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn dưới 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dưới 3%. Kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020: Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 là 2,3%; tương tự, năm 2017 là 1,7%, năm 2018 là 1,4%, năm 2019 là 1,2% và năm 2020 là 1,1%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND TP dự kiến tổng kinh phí thực hiện mục tiêu giảm nghèo thành phố giai đoạn 2016 - 2020 hơn 10.200 tỷ đồng, cụ thể: Kinh phí thực hiện các chính sách hiện hành của Chính phủ và thành phố hơn 7.125 tỷ đồng; kinh phí thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo hơn 2.575 tỷ đồng; kinh phí ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi (nguồn vốn quay vòng) 500 tỷ đồng.
Về nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách thành phố gần 4.190 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp gần 1.94 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển 2.249 tỷ đồng; ngân sách các quận, huyện, thị xã (vốn sự nghiệp) hơn 5.703 tỷ đồng; xã hội hóa hơn 309 tỷ đồng huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.Trên cơ sở nội dung, hoạt động các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và quy định, hướng dẫn của Trung ương, các sở, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện dự án chủ động xây dựng kinh phi sự nghiệp thực hiện hàng năm gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp gửi các sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, cân đối, bố trí vốn, trình UBND TP xem xét, quyết định.