Hà Nội: Giải quyết hồ sơ hành chính sau thời gian giãn cách xã hội đảm bảo nhanh gọn, chấp hành tốt phòng dịch

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thực hiện Chỉ thị 22 của UBND TP Hà Nội về điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn trong tình hình mới, bắt đầu từ ngày 21/9, toàn bộ cơ quan hành chính của TP trở lại thực hiện tiếp nhận giải quyết hồ sơ theo hình thức trực tiếp tại trụ sở bộ phận “một cửa” (BPMC).

Thực tế tại các quận, huyện cho thấy, việc tiếp nhận giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp kể từ khi TP nới lỏng giãn cách xã hội đến nay được thực hiện nhanh gọn, đúng quy định, tạo điều kiện tối đa cho công dân song vẫn đảm bảo chấp hành tốt quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới.
BPMC của UBND huyện Thanh Trì gần 16h vẫn có khá nhiều người dân đang kê khai, đợi đến lượt nộp hồ sơ hành chính. Ngay từ cổng, người dân được yêu cầu quét mã QR và đo thân nhiệt tự động thông qua camera cảm biến nhiệt (do UBND quận mới đầu tư trong thời gian dịch bệnh), nếu có hiện tượng bất thường thì được thông báo ngay. Với người không có smartphone, nhân viên bảo vệ sẽ ghi thông tin cá nhân vào sổ theo dõi. Sau đó, người dân vào khu vực “một cửa” lấy số thứ tự, ngồi đợi được gọi vào ô tiếp nhận, phân luồng đảm bảo giãn cách. Tiếp tục thời gian giãn cách xã hội đến nay, UBND huyện khuyến khích công dân hạn chế đến trụ sở mà sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để nhận kết quả, từ đó nhiều người đã hưởng ứng. Công dân sử dụng dịch vụ này thì đăng ký số điện thoại, cứ cuối ngày, nhân viên bưu điện gom kết quả hồ sơ lại để trao tận nhà cho người dân.
Ngay từ cổng vào bộ phận Một cửa UBND huyện Thanh Trì, người dân được nhân viên bảo vệ yêu cầu quét mã QR và đo thân nhiệt tự động thông qua camera cảm biến nhiệt, nếu có hiện tượng bất thường thì được thông báo ngay 
Ghi nhận cho thấy, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện và BPMC huyện được bố trí chung trụ sở, lượng người đến giải quyết TTHC mỗi ngày khá lớn. Qua số phiếu thứ tự phát ra cho công dân, thấy vượt quá 60 hồ sơ trong 1 buổi thì cán bộ sẽ hẹn họ sang buổi sau quay lại, trong đó thông báo ra theo giờ, nhằm tránh tập trung quá đông. Riêng BPMC huyện từ ngày 21-30/9 đã tiếp nhận tổng cộng 229 hồ sơ hành chính, gồm phần lớn là hồ sơ đăng ký kinh doanh (ĐKKD) (168 hồ sơ), lĩnh vực LĐ-TB&XH (39 hồ sơ) (người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 làm thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ). Lượng hồ sơ 10 ngày qua tăng mạnh chủ yếu do bị dồn lại trong quá trình giãn cách xã hội, đồng thời do hệ thống phần mềm dùng chung 3 cấp của TP gần 1 tháng qua đã bị sập, nên người dân và cán bộ đều không làm được trực tuyến mà tất cả hồ sơ được thực hiện trực tiếp (trừ lĩnh vực ĐKKD vẫn áp dụng theo hệ thống phần mềm của Sở Tài chính).
Với sự cố gắng của tất cả cán bộ công chức ngay từ bộ phận Một cửa và trên các phòng chuyên môn, số lượng lớn hồ sơ hành chính được tiếp nhận tại UBND huyện Thanh Trì những ngày qua đều được giải quyết đúng và trước hạn 
Thực hiện Chỉ thị 22 của UBND TP, mọi công tác phòng chống dịch áp dụng theo Công điện 15, theo đó giữa BPMC huyện và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện phối hợp tổ chức đón tiếp, đảm bảo giải quyết hồ sơ kịp thời cho công dân. Hằng ngày có mặt trước 7h30 và gần 18h mới xong việc, có những ngày phải làm thông trưa, bởi thay vì trước đây giao dịch hoàn toàn trên mạng thì nay phải nhập từng hồ sơ theo cách “thủ công”, sau đó chuyển lên các phòng chuyên môn. Mặc dù vậy, với sự cố gắng của tất cả cán bộ công chức ngay từ các ô tiếp nhận và trên các phòng chuyên môn, mọi hồ sơ đều được giải quyết đúng và trước hạn.
“Đạt được những kết quả này cũng nhờ trên cơ sở chỉ đạo của TP và thực trạng hệ thống phần mềm, ngay trước ngày 21/9, lãnh đạo huyện đã quán triệt cán bộ công chức tiếp nhận hồ sơ phải xem xét giải quyết ngay, tránh để công dân đi lại nhiều lần và cũng tránh tập trung đông người, để thực hiện tốt phòng chống dịch. Hồ sơ nào quy định trả trong ngày thì phải trả ngay, với những hồ sơ có thể trả được trước hạn thì cố gắng trả trước; đồng thời khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ bưu chính để nhận kết quả tại nhà. Với số lượng hồ sơ lớn, UBND huyện đã huy động 100% cán bộ công chức BPMC trực tại trụ sở hằng ngày”- Phó Chánh văn phòng, Trưởng BPMC UBND huyện Thanh Trì Chử Mạnh Thăng chia sẻ.
Trên cơ sở chỉ đạo của TP và thực trạng hệ thống phần mềm, ngay trước ngày 21/9, lãnh đạo huyện Thanh Trì đã quán triệt cán bộ công chức tiếp nhận hồ sơ phải xem xét giải quyết ngay, tránh để công dân đi lại nhiều lần và tập trung đông người, nhằm đảm bảo phòng chống dịch
Cũng theo đại diện UBND huyện, phần mềm mới mà Sở TT&TT đang triển khai chưa hoạt động chính thức nên sẽ mất một thời gian nhất định để cả cán bộ và người dân làm quen. “Rất mong phần mềm này trong thời gian ngắn nhất có thể khắc phục được những vấn đề đang khiến cán bộ công chức rất vất vả. Chúng tôi thực sự mong có một phần mềm tiếp nhận hồ sơ vừa ổn định, vừa có tính mở và linh động, giúp cả cán bộ và người dân dễ tiếp cận, dễ thao tác, thì họ mới hưởng ứng. Cũng mong khi đã có cơ sở dữ liệu chung thì người dân được giảm bớt việc liên quan xác thực thông tin cá nhân, giúp thuận tiện cho cả cán bộ và người dân. Hơn nữa, cần sớm triển khai ứng dụng chữ ký số, mới có thể áp dụng 100% hồ sơ theo mức độ 4, tiến tới hoàn toàn thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng, giúp minh bạch, rõ người rõ việc rõ công đoạn và trách nhiệm từng phòng, ban, đơn vị trong giải quyết TTHC”- ông Chử Mạnh Thăng nhấn mạnh.
Tại BPMC UBND quận Hai Bà Trưng, 10 ngày qua, lượng công dân đến giao dịch cũng tăng nhiều, chủ yếu các lĩnh vực: ĐKKD (các hộ đăng ký vào kinh doanh trong chợ); mảng tư pháp hộ tịch có nhiều người làm thủ tục cải chính, trích lục bản sao khai sinh, khai tử, kết hôn; một số hồ sơ về chứng thực, cấp phép xây dựng, giáo dục (chuyển trường từ tỉnh khác đến hoặc từ Hà Nội đi), LĐ-TB&XH (hồ sơ xin hỗ trợ theo chính sách cho người gặp khó khăn do Covid-19)
Công dân đến bộ phận Một cửa quận Hai Bà Trưng, ngay từ cửa thực hiện sát khuẩn tay, khai báo thông tin cá nhân và quét mã QR 
Vào thời điểm gần 11h, phóng viên nhận thấy cả 5 ô cửa vẫn có công chức trực tiếp nhận hồ sơ. Công dân đến ngay từ cửa thực hiện khai báo tên, số điện thoại, địa chỉ vào một cuốn sổ và quét mã QR, ngồi đợi ở khu vực riêng và lấy số thứ tự, đợi được gọi vào ô tiếp nhận. Dù lượng người đến khá đông nhưng tại các ô cửa luôn đảm bảo chỉ 1 người ngồi làm thủ tục, xong mới đến người khác. Cán bộ tại đây cũng thường xuyên nhắc người dân ngồi giãn cách, tuân thủ 5K. Tại các ô tiếp nhận nhất là về thủ tục ĐKKD đông người đến giao dịch, nên cán bộ tạo điều kiện thêm thời gian cho công dân, theo đó quy định 11h và 16h30 hết giờ nhưng đã bố trí thành 12h và 17h30 mới hết hạn tiếp nhận hồ sơ. Sau đó khoảng 1 tiếng đồng hồ thì công chức tiếp nhận mới tập hợp, phân loại và bàn giao xong hồ sơ cho phòng chuyên môn, hoàn thành công việc trong một buổi làm việc.
Công chức bộ phận Một cửa quận Hai Bà Trưng Mạc Quỳnh Trang chia sẻ: Tại các ô tiếp nhận đông người đến giao dịch, cán bộ tạo điều kiện thêm thời gian cho công dân, theo đó quy định 11h và 16h30 hết giờ nhưng đã bố trí thành 12h và 17h30 mới hết giờ tiếp nhận hồ sơ

Bà Mạc Quỳnh Trang- Công chức lĩnh vực VHTT-LĐTB&XH tại BPMC quận Hai Bà Trưng chia sẻ: Từ ngày 21/9 đến nay, trung bình mỗi ngày bộ phận tiếp nhận 70 hồ sơ, trong đó gần 50% thuộc mảng ĐKKD. Từ gần 1 tháng nay phần mềm dùng chung 3 cấp của TP bị lỗi, nên chủ yếu các doanh nghiệp gửi hồ sơ hoặc nhận kết quả qua đường bưu điện, còn công dân đến nộp trực tiếp để có vướng mắc gì thì cán bộ hỗ trợ. Nếu trước đây xử lý hồ sơ hoàn toàn trên mạng thì nay, các công chức ghi thông tin vào sổ bàn giao hồ sơ quản lý rồi in hồ sơ ra, sau đó cán bộ phòng chuyên môn xuống lấy để giải quyết. Cán bộ vẫn nhập dữ liệu theo hướng dẫn của TP, nhưng phải theo giấy hẹn viết tay và mỗi hồ sơ phải đánh máy 1 lần theo mẫu.

Cán bộ bộ phận Một cửa quận Hai Bà Trưng thường xuyên nhắc người dân ngồi đợi giải quyết thủ tục đảm bảo giãn cách, tuân thủ 5K 
“10 ngày qua, lượng hồ sơ giao dịch trực tiếp tại BPMC tăng mạnh, cũng do một số hồ sơ cần đối chiếu bản gốc, lại trong thời điểm giãn cách xã hội, người dân đi lại khó khăn, nên dồn lại đến sau 21/9 mới đi giải quyết. Tuy vậy, quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo quận, chúng tôi tuy rất vất vả nhưng luôn xác định cố gắng hết sức để làm tròn trách nhiệm. Các phòng ban mới đi làm 50/50 nhưng BPMC đã huy động 100% đi làm tại trụ sở, ưu tiên hàng đầu cho việc giải quyết TTHC đúng hạn cho công dân. Chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tối đa để người dân nào đến cũng được tiếp nhận hồ sơ. Đáng mừng là hơn 99% hồ sơ trong những ngày qua đã được trả kết quả đúng và trước hạn”- bà Mạc Quỳnh Trang cho hay.
Anh Phạm Văn Hưởng vừa được nhận giấy ĐKKD tại BPMC quận Hai Bà Trưng bày tỏ: “Tôi làm thủ tục ĐKKD ngành hàng kính mắt thời trang tại phường Nguyễn Du, thấy việc giải quyết rất nhanh gọn. Tôi đã gọi điện hỏi trước, được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình về những giấy tờ cần nộp. Hôm nay tôi ra đây được nhận kết quả rất đúng hạn, không phải chờ đợi lâu, cảm thấy rất hài lòng”. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần