Hà Nội giảm 70% "điểm đen" ùn tắc giao thông sau 8 năm

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/12, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 16/NQ - CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông.

Tới dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng nhiều đại biểu khác.

Theo số liệu do Sở GTVT Hà Nội cung cấp, 8 năm qua, Hà Nội đã giảm được 70% số “điểm đen” ùn tắc giao thông (UTGT). Nếu năm 2010, Hà Nội có tới 124 “điểm đen” UTGT thì đến năm 2016, con số này chỉ còn 41 điểm; trong đó, 20/44 “điểm đen” tồn đọng từ năm 2015 đã được giải quyết. Tuy nhiên, do một số công trình trọng điểm như: Đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông... đang thi công, cộng với sự gia tăng đột biến của phương tiện cá nhân nên phát sinh thêm 17 “điểm đen” mới.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Để đạt được thành quả đó, 8 năm qua Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, tháo gỡ khó khăn trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng hạ tầng giao thông; mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC); quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông vận tải cả đường bộ, hàng không và đường thuỷ.

Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tại Hà Nội năm 2008 chỉ đạt 7% nhưng đến hết 2016, đã đạt 8,9% diện tích đất xây dựng đô thị, trong đó diện tích đất dành cho giao thông tĩnh từ 3 - 4% đạt yêu cầu kế hoạch đề ra.
Tính đến tháng 11/2016, mạng lưới xe buýt Thủ đô đã có 97 tuyến, trong đó có 73 tuyến trợ giá, 11 tuyến không trợ giá, 9 tuyến kế cận, 4 tuyến thí điểm; với trên 1.500 phương tiện, tổng chiều toàn mạng lưới trên 1.700 Km. Năm 2008, xe buýt chỉ đạt tỷ lệ đảm nhiệm VTHKCC 7%, đến năm 2016 đã đạt tỷ lệ đảm nhiệm 20%.

Bên cạnh xe buýt truyền thống, tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội và cũng là đầu tiên trên toàn quốc, mã số BRT 01 Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa cũng đã hoàn thành, chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/1/2017.

Các tuyến đường sắt đô thị: Nhổn – Ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông cũng đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đưa vào khai thác trước năm 2020, hình thành mạng lưới VTHKCC khối lượng lớn, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại cho Nhân dân Thủ đô.

Về hạ tầng, giai đoạn 2008 - 2016, trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, TP Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng 10 cầu vượt kết cấu thép lắp ghép tại một số nút giao trọng yếu như: Ngã Tư Sở, Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, Lê Văn Lương – Láng… cùng hơn 80 công trình giao thông quan trọng, với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nhiều dự án giao thông quan trọng do Bộ GTVT đầu tư trên địa bàn TP như: Cầu Nhật Tân; đường Nhật Tân - Nội Bài; vành đai III trên cao; nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài; các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai... cũng đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng kết nối giao thương giữa Hà Nội với Vùng trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Về giao thông tĩnh, tổng số dự án xây dựng bến, bãi đỗ xe tĩnh đã được UBND TP phê duyệt chủ trương trong giai đoạn 2011 - 2015 là 88 dự án. Đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 20 bến, bãi đỗ xe; đang tiếp tục triển khai 16 dự án khác; 52 dự án đã có chủ trương của TP cho nghiên cứu hoặc nhà đầu tư đề xuất nhưng chưa triển khai thực hiện đầu tư. Hiện nay tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn TP là 91,16ha, chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị, đáp ứng được 8 -10% nhu cầu đỗ xe.

Hà Nội đã xây dựng Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại số 54 Trần Hưng Đạo, đang tiếp tục đầu tư thực hiện Trung tâm điều khiển giao thông công cộng tại Bến xe Kim Mã. Đây là những tiền đề quan trọng để phát triển mạng lưới giao thông thông minh cho TP trong tương lai.