Khó trăm bề… Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình đã đưa ra thông điệp hạ lãi suất xuống 17-19%/năm nhưng rất nhiều DN vẫn than rằng rất khó tiếp cận vốn ngân hàng chứ chưa dám nói tới chuyện vay được lãi suất thấp. Ông Phạm Quang Hoàn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Thiên Phú mạnh dạn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế cụ thể để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN. Là DN sản xuất dây cáp điện chống cháy, một sản phẩm chủ lực của Thủ đô, Thiên Phú rất cần vốn để mở rộng đầu tư, mua máy móc thiết bị để nâng cao năng suất, tạo việc làm cho người lao động. Chung nỗi niềm như ông Hoàn, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Chế tạo thiết bị điện Đông Anh Trần Văn Quang mong UBNDTP Hà Nội đồng hành cùng DN gửi kiến nghị tới Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét giải ngân cho những DN đã ký được hợp đồng với đối tác, xem xét có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với những DN sử dụng nhiều lao động, có “lý lịch” tốt và đóng góp nhiều cho ngân sách của thành phố. Cũng theo ông Quang, năm nay doanh thu và lợi nhuận các DN đều sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nên chăng ngành thuế có chính sách giảm và giãn nộp thuế nhằm chia sẻ khó khăn với các DN. Không chỉ “bí” đầu vào, các DN đặc biệt là DN xuất khẩu cũng rất chật vật trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm do tình hình kinh tế thế giới bị suy giảm. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã phát động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tuy nhiên theo đánh giá của ông Trần Văn Quang, sức lan tỏa của cuộc vận động vẫn chưa cao. Ông nói: “Chính phủ đã ra rất nhiều văn bản nhằm khuyến khích người Việt dùng hàng Việt nhưng mới chỉ dừng ở chỉ thị mà chưa có một chính sách cụ thể để hàng trong nước được DN và người tiêu dùng ưu tiên, chẳng hạn chỉ cho phép tổ chức đấu thầu những dự án mà DN trong nước không đủ sức tham gia, hoặc chỉ cho thông quan những sản phẩm mà DN trong nước chưa sản xuất được…”. Những quy định nhằm bảo vệ DN và hàng hóa trong nước này tất nhiên phải được áp dụng trong khuôn khổ cho phép, không vi phạm các cam kết gia nhập WTO của nước ta. Với Công ty BigC Thăng Long thì mối lo ngại lớn nhất hiện nay là mặt bằng kinh doanh, đã nhiều tháng nay công ty đi tìm địa điểm để mở rộng mạng lưới phân phối nhưng vẫn chưa có được vị trí và giá thuê đất phù hợp. Ông Nguyễn Thái Dũng – Phó Tổng Giám đốc công ty cũng băn khoăn về quy định thay đổi giờ mở cửa đối với các siêu thị, trung tâm thương mại ở Hà Nội trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của BigC. “Những ngày cuối tuần, ngày lễ, ngày Tết, sức mua của người dân rất cao nên chúng tôi phải mở cửa từ 7h – 23h mỗi ngày, nếu bắt buộc phải mở cửa sớm hơn thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, đồng thời làm giảm doanh thu của siêu thị” – ông Dũng chia sẻ. Đây có lẽ không phải là nỗi niềm riêng của BigC mà rất nhiều DN kinh doanh trong ngành dịch vụ, phân phối, bán lẻ ở Hà Nội cũng đang mong mỏi Thành phố dành quỹ đất cho thương mại, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng cho các DN. “Cái khó làm ló cái khôn” Dù “bí” vốn và gặp không ít khó khăn về thị trường nhưng nhiều DN của Hà Nội vẫn tìm cách vượt khó. Đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Thiên Phú vẫn quyết tâm đầu tư thêm một nhà máy dây cáp điện trung thế với số vốn lên đến hơn 800 tỷ đồng, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm nhằm đáp ứng như cầu hạ ngầm của thành phố. Sản phẩm dây cáp điện chống cháy của Thiên Phú được người tiêu dùng Thủ đô bình chọn là sản phẩm chất lượng, được nhiều người ưa thích. Hay như Công ty BigC Thăng Long dù không được hưởng vốn ưu đãi như nhiều DN nhà nước khác nhưng vẫn mạnh dạn thực hiện Chương trình bình ổn giá để bảo vệ sức mua người tiêu dùng, tích cực tham gia chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với 95% các sản phẩm bày bán tại BigC hiện nay là của các nhà sản xuất Việt Nam. Lãnh đạo công ty hồ hởi cho biết, tốc độ tăng trưởng của BigC Thăng Long năm nay sẽ không dưới 30%, đáp ứng sự kỳ vọng của UBNDTP. Khả năng tự lực tự cường, sự năng động, sáng tạo của các DN trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức được Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thế Thảo ghi nhận và đánh giá cao. Nỗ lực của cộng đồng DN đã góp phần quan trọng giúp kinh tế Thủ đô năm nay đạt mức khá (10,13%), gấp 1,67 lần mức chung của cả nước. Nhưng để bồi đắp sức mạnh cho DN thì phía UBNDTP cũng sẽ có nhiều hơn những biện pháp hỗ trợ, chia sẻ. Biện pháp cần kíp trước mắt được Chủ tịch UBNDTP Hà Nội đưa ra là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội nới tín dụng trong giới hạn mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép, hạ lãi suất ở mức phù hợp nhằm tạo điều kiện để các DN tiếp cận vốn và vay được với lãi suất tốt, hạn chế để lãi suất và tỷ giá “lên đồng” như thời gian qua. “Chúng ta đã bắt bệnh đúng, có đơn thuốc đúng, vấn đề chỉ còn là tính toán liều lượng thuốc sao cho hợp lý để không gây sốc cho DN và nền kinh tế, kiên quyết xử lý những ngân hàng thương mại “xé rào”” – Chủ tịch gợi ý. Chỉ số giá tiêu dùng mấy tháng qua đã giảm đáng kể chính là tín hiệu tốt để hạ lãi suất cho vay. Liên quan tới việc kích cầu, tạo đầu ra cho hàng hóa, đại diện Sở Công Thương cho biết Thành phố đã dành 4 tỷ đồng cho công tác tuyên truyền khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, đây sẽ là một “cú hích” mạnh mẽ cho cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cũng tại cuộc gặp gỡ chiều 25/11, những kiến nghị của DN liên quan tới giãn nộp thuế, giảm thuế đất, xây dựng hạ tầng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đào tạo nhân lực, cải cách thủ tục hành chính… đã được người đứng đầu Thành phố và đại diện các Sở, ban, ngành Thành phố tiếp nhận và cam kết tháo gỡ theo từng trường hợp cụ thể.