Hà Nội góp ý cho đồ án quy hoạch chung Thủ đô: Ba Đình luôn là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia

Chia sẻ Zalo

KTĐT - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản góp ý cho Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng.

KTĐT - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản góp ý cho Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng. TP Hà Nội đã đưa ra các quan điểm rõ ràng và theo hướng phân tích này đồ án quy hoạch chung sẽ có tính khả thi hơn khi không phải đầu tư quá lớn để tạo dựng một trung tâm chính trị mới cũng như xây thêm một trục giao thông lớn bên cạnh những trục giao thông quy mô, hiện đại đã và đang được đầu tư.


Ba Vì không đủ điều kiện thành trung tâm hành chính quốc gia


Theo góp ý của TP Hà Nội, trong Hiến pháp, Nghị quyết 15/NQ/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô đều chỉ rõ: "Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia…". Do vậy, trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia luôn là chỉnh thể thống nhất không tách rời. Khu vực Ba Đình luôn là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia hoặc hành chính qua các thời kỳ trong lịch sử của đất nước. Việc xây dựng Nhà Quốc hội cùng các cơ quan làm việc của Quốc hội tại khu vực trung tâm Ba Đình là sự tiếp tục khẳng định trung tâm chính trị - hành chính quốc gia là Ba Đình.


Về mặt không gian, Hà Nội đánh giá, Ba Vì không đủ các điều kiện thuận lợi về khí hậu, lịch sử, truyền thống, thể chế chính trị, khả năng tiếp cận với các loại hình giao thông, khả năng kết nối các vùng xung quanh, khả năng gắn với một đô thị hành chính, chưa nói đến việc ảnh hưởng tới vùng sinh thái tự nhiên đặc biệt của quốc gia và Hà Nội. Hơn nữa, việc nghiên cứu xây dựng trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì (kể cả chỉ xây dựng một số trụ sở của bộ, cơ quan ngang bộ và trực thuộc Chính phủ) sẽ phải đầu tư mới toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật để có thể đảm bảo mối liên hệ với trung tâm Ba Đình và các vùng trong cả nước, sẽ không phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước. Thành phố Hà Nội cho rằng, không nên đặt vấn đề đặt trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, quỹ đất tại khu vực này cần phải quản lý chặt gắn với không gian, bảo vệ cảnh quan Ba Vì.


Hai khu vực đáp ứng yêu cầu xây dựng trụ sở cơ quan bộ, ngành của Chính phủ là Tây Hồ Tây và khu vực kề cận Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại khu vực Mễ Trì - Mỹ Đình đủ điều kiện theo các tiêu chí: có đủ quỹ đất để xây dựng công trình hoặc tổ hợp công trình mới hiện đại, liên kết nơi làm việc của Chính phủ và trung tâm chính trị tại Ba Đình; tiếp cận với các loại hình giao thông đặc biệt là giao thông công cộng thành phố, giảm quy mô đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị; liên kết với không gian kiến trúc (Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Trung tâm văn hóa thương mại, tài chính Tây Hồ Tây…); tạo cơ hội, động lực phát triển khu đô thị mới, gắn kết với không gian cảnh quan tự nhiên sông Nhuệ và Hồ Tây.


Trục Hồ Tây - Ba Vì, nhiều hệ lụy


Trục đường này được đánh giá là hệ quả gắn liền với quyết định vị trí trung tâm hành chính quốc gia, ảnh hưởng lớn tới những lĩnh vực kinh tế - xã hội và phát triển bền vững. Theo quan điểm của Hà Nội, khi đã khẳng định không xây dựng trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì thì việc xây dựng trục này không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế - chính trị - xã hội. Hơn nữa, với định hướng phân bổ dân cư khu vực phía tây trên 1 triệu người, định hướng về giao thông đã có trên 32 làn xe (đường Láng - Hòa Lạc 10 làn, đường 32 và đường Tây Thăng Long có tổng số làn xe là 12, đường 6 và đường Nam đường 6 có tổng số 10 làn xe). Cùng với đó là các tuyến đường sắt đô thị số 5 trên đường Láng - Hòa Lạc, số 2 trên đường 6 và số 3 trên đường 32 cũng đã đảm bảo nhu cầu giao thông giữa thành phố trung tâm và các đô thị vệ tinh phía Tây.


Nếu trục Hồ Tây - Ba Vì được hình thành như tư vấn đề xuất sẽ có nguy cơ không chỉ phá vỡ ý tưởng hành lang xanh mà còn tạo cơ hội cho sự ra đời các khu đô thịhai bên hệ trục. Bên cạnh đó, việc xác định tuyến đi thẳng theo hướng chính Đông - Tây, xét theo yếu tố vật lý sẽ không đảm bảo an toàn giao thông do ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào mặt người điều khiển giao thông.


Về tính khả thi và nguồn lực tài chính, sẽ phải di dời nhiều khu vực làng xóm, một số khu vực với hiện trạng dầy đặc các dự án đã và đang được đầu tư xây dựng (đặc biệt trên đoạn đường từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường 3,5). Hơn nữa, trong bối cảnh và điều kiện như hiện nay, khả năng tài chính và nguồn lực thực hiện cần phải được cân nhắc thận trọng. Hà Nội đề xuất, không cần phải tạo lập một tuyến giao thông quy mô lớn và đi thẳng mà chỉ cần có giải pháp quản lý chặt chẽ không gian nối kết theo hệ trục này.

 

Liên quan tới hơn 700 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trong khu vực quy hoạch, ngoài 244 đồ án, dự án đã được Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc cho tiếp tục triển khai có điều kiện, còn nhiều dự án nằm trong vùng dự kiến là hành lang xanh. Việc dừng hoặc thay đổi mục tiêu đầu tư đối với các dự án này sẽ gây ra những thiệt hại lớn về của cải vật chất và môi trường đầu tư. Do vậy, thành phố Hà Nội góp ý, bản quy hoạch chung phải đề xuất được các giải pháp tài chính cụ thể để giải quyết những tồn tại này.