Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội – Hà Tĩnh: Triển khai thực hiện các nội dung hợp tác, phát triển

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/11, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh để trao đổi kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị giữa hai địa phương và cụ thể hoá Kết luận về chương trình hợp tác, phát triển giữa hai địa phương. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị về phía TP Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị.
Trước đó, ngày 16/5/2019, tiếp tục thực hiện chương trình kết nối, hợp tác, phát triển “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, tại Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức hội nghị hợp tác, phát triển nhằm đánh giá kết quả hợp tác thời gian qua, xác định phương hướng thời gian tới.Ngày 6/6/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ra Thông báo số 1980-TB/TU về kết luận hội nghị nêu trên. Nhằm củng cố và đưa quan hệ hợp tác giữa hai địa phương đi vào thực chất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng đã trình bàytình hình, kết quả của tỉnh Hà Tĩnh về phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Theo đó, về kinh tế - xã hội, kinh tế của tỉnh phục hồi, duy trì tăng trưởng cao và chuyển dịch đúng hướng sau sự cố môi trường biển (năm 2018 tăng trưởng 20,8%); tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 12.789 tỷ đồng và 10 tháng đầu năm 2019 tổng thu ngân sách đạt gần 12.000 tỷ đồng (đạt 90,1% kế hoạch). Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có nhiều cách làm sáng tạo, đạt được kết quả quan trọng. Đến nay có 173 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 75,54% tổng số xã) và 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2019 đạt 700 triệu USD (tăng 11,94% so với cùng kỳ) và kim ngạch nhập khẩu đạt 2.288 triệu USD…
Tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Hà Nội đóng góp các ý kiến gợi mở về dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII. Chỉ đạo các ngành chức năng giới thiệu các DN của Hà Nội khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Hà Tĩnh, đặc biệt là tại Khu Kinh tế Vũng Áng. Chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Tạo điều kiện để các DN của TP liên kết sản xuất, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng cao của tỉnh Hà Tĩnh tại Hà Nội. Ngoài ra, phối hợp, hỗ trợ Hà Tĩnh trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; tổ chức các hội thảo về văn hoá mỗi địa phương nhằm quảng bá hình ảnh đối với du khách trong và ngoài nước. Chia sẻ với Hà Tĩnh về kinh nghiệm quản lý nhà nước trên các lĩnh vực Hà Nội có thế mạnh như: Quản lý quy hoạch, phát triển đô thị; xây dựng đô thị thông minh; triển khai Chính phủ điện tử, cải cách hành chính… Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp một số hạng mục khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân); hỗ trợ 20 tỷ đồng xây dựng 200 căn nhà cho các hộ nghèo là gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
 Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn phát biểu ý kiến. 
Tại hội nghị, lãnh đạo hai địa phương thảo luận và trao đổi kinh nghiệm trên một số lĩnh vực như: Sắp xếp thôn, tổ dân phố; cải cách hành chính; phát triển du lịch; xây dựng nhà máy đốt rác phát điện; cách thức tổ chức các sự kiện văn hoá lớn…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, đối với lĩnh vực văn hoá, Hà Nội lấy việc thực hiện chính trị và văn hoá là số 1. Theo đó, kết hợp truyền thống văn hoá nội tại với văn hoá các nước được tổ chức thông qua các đại sứ quán các nước tại Hà Nội. Hà Nội chỉ giao Sở Văn hoá làm đầu mối thực hiện và đều kết hợp với lễ hội của các địa phương để quảng bá du lịch, sản phẩm làng nghề, nông lâm thuỷ sản. Các hoạt động này được tổ chức tại phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm để xây dựng hình ảnh du lịch của Thủ đô. Chủ tịch UBND TP đề xuất, năm 2020 sẽ là năm kỷ niệm 200 ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du nên Hà Nội mong muốn được phối hợp với Hà Tĩnh để tổ chức hoạt động này.
Vấn đề xúc tiến đầu tư, Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội luôn công khai, minh bạch các dự án để kêu gọi đầu tư. Đặc biệt, với thu hút đầu tư quốc tế phải có chiến lược, đi trước từ 2-3 năm và tập trung thị trường trọng điểm. Đối với việc trồng cây xanh, Hà Nội thực hiện chiến dịch trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn TP. Quá trình thực hiện, Hà Nội đều kêu gọi xã hội hoá từ các nguồn để thực hiện trồng cây xanh và hình thức trồng tự nhiên chứ không cắt tỉa. Cũng theo Chủ tịch UBND TP, Hà Nội hiện có 3 nhà máy xử lý rác do nhà đầu tư nước ngoài triển khai. TP đưa ra 12 tiêu chí để lựa chọn các nhà đầu tư và quan trọng nhất phải là công nghệ đốt rác phát điện, tỷ lệ tro xỉ thải ra môi trường dưới 5%, khói không có Dioxin và sử dụng ít quỹ đất.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu ý kiến.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đánh giá, thời gian qua, Hà Nội đã thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, phát triển mạnh về kinh tế trên nền khai thác tiềm năng, thế mạnh về văn hóa. Nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, động lực tăng trưởng của Hà Tĩnh hiện nay là khu kinh tế Vũng Áng, thu hút dự án điện khí, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển NTM… Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị Hà Nội đóng góp các ý kiến gợi mở về dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII; cho các địa phương, ngành của hai địa phương cụ thể hoá các nội dung để thực hiện.Sau hội nghị này, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương của Hà Tĩnh tiếp tục tìm hiểu sâu, học hỏi kinh nghiệm xử lý những khó khăn, thách thức từ bài học của Hà Nội; đẩy mạnh hợp tác với thành phố trên các lĩnh vực.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, bày tỏ ấn tượng với kết quả phát triển vượt bậc của Hà Tĩnh đã đạt được trong những năm qua. Đồng thời, đánh giá cao sự quyết liệt, nỗ lực của chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với nội dung hợp tác, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị, tiếp thu và cập nhật vào nội dung hợp tác để ra thông báo cụ thể. Đồng chí đề nghị hai bên thống nhất giao cho hai Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp phụ trách chỉ đạo thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư mỗi bên làm đầu mối hợp tác.
Về phía thành phố Hà Nội, Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xây dựng kế hoạch hợp tác, hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh và định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm có sơ kết, đánh giá. Trước mắt, phối hợp, triển khai tốt lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du.
 Các đại biểu hai địa phương chụp ảnh kỷ niệm.
Về vấn đề hợp tác trong cải cách hành chính, CNTT, Bí thư Thành uỷ Hà Nội giao cho các sở, ngành liên quan của Hà Nội phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh để tiếp tục học tập, trao đổi kinh nghiệm trong thời gian tới. 
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, trên cơ sở các nội dung đã thống nhất, mỗi sở, ban, ngành, địa phương chủ động trao đổi trực tiếp, bảo đảm hợp tác thiết thực, hiệu quả vì sự phát triển chung của hai địa phương.
Trong chương trình chuyến công tác tại Hà Nội, Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh đã tham quan, dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn và Khu di tích tượng đài Vua Lê. Đoàn cũng đã đến thăm, tìm hiểu một số cơ sở sản xuất công nghiệp và làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm).