Với mục tiêu chung là nhằm nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của cả cộng đồng dân cư TP trong từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của TP Hà Nội trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Từ đó, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng cacbon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm họa của biến đổi khí hậu, qua đó đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của TP.
Kết quả Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của TP Hà Nội là kết quả của sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng dân cư TP; phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ngắn, trung và dài hạn của TP, của các ngành, lĩnh vực và các quận, huyện, thị xã; đảm bảo đặt ra các ưu tiên rõ ràng đối với các giải pháp, các hoạt động cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực trong ứng phó với biến đổi khí hậu; lồng ghép các giải pháp ứng phó với biến đổi với các chương trình, đề án, dự án của các ngành các lĩnh vực, của T.Ư và các tỉnh lân cận; đảm bảo tính khả thi về thời gian, nguồn lực thực hiện, tính hiệu quả và kết quả đầu ra; đảm bảo khả năng kiểm tra, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện cũng như kết quả cuối cùng. Trên cơ sở rà soát những văn bản liên quan đến biến đổi khí hậu, các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, các khu vực và kết quả thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1745/QĐ-UBND, ngày 26/4/2012 đã chỉ ra được kịch bản biến đổi khí hậu chi tiết về nhiệt độ, lượng mưa cho TP Hà Nội đến cuối thế kỷ XXI. Từ đó tiến hành đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu chi tiết cho từng ngành và lĩnh vực tại TP Hà Nội. Kết quả Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của TP Hà Nội đã xác định được các nội dung có liên quan cần điều chỉnh bổ sung. Trong đó, bao gồm cụ thể hóa các thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu; quan điểm cách tiếp cận và định hướng ưu tiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng trưởng xanh đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực; lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực và khu vực; xác định mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm lựa chọn các giải pháp trọng tâm để ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa ra danh mục các nhiệm vụ, dự án cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng lộ trình triển khai thực hiện và nguồn lực thực hiện.
Trong giai đoạn tiếp theo 2016 - 2020, TP Hà Nội chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về biến đổi khí hậu và ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các ngành, các cấp để có được kế hoạch ứng phó hiệu quả, kịp thời trước biến đổi khí hậu; tăng cường triển khai các hoạt động khoa học - công nghệ thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành, lĩnh vực, các vùng cụ thể cũng như những nghiên cứu về khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu các ngành, lĩnh vực và địa phương; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với hoàn cảnh trong nước và quốc tế; tăng cường phát triển chương trình “Tiết kiệm năng lượng”, sử dụng nguồn năng lượng mới, sạch, vật liệu thích ứng với biến đổi khí hậu, chương trình đào tạo các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu…
Các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã chỉ đạo, thực hiện đồng bộ Kết quả cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn TP Hà Nội theo Quyết định số 5814/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND TP Hà Nội, gắn việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Tổ chức tuyên truyền cho các cán bộ, đảng viên tại cơ quan, đơn vị những chủ trương, giải pháp của Kế hoạch, nhất là đối với cán bộ, đảng viên và cán bộ quản lý ở cơ sở, từ đó tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân.