Kinhtedothi - Nhằm hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang tiêu thụ sản phẩm vải thiều, 31 siêu thị Big C và Hapro sẽ không tính lãi khi bán mặt hàng này. Tuy nhiên, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) bán tại hệ thống siêu thị đắt hơn thị trường nên khó có thể thu hút người tiêu dùng (NTD) mua sản phẩm. Hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều Đối với người nông dân tỉnh Bắc Giang đây là lần đầu tiên ngành thương mại Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ vải thiều tại thị trường nội địa qua đó xây dựng chiến lược lâu dài trong việc tiêu thụ nhiều loại nông sản Việt sau này. Chính vì vậy, ngay từ trước mùa thu hoạch Sở Công Thương Hà Nội và hệ thống siêu thị Big C, Hapro đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm… Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C cho biết: Vải Lục Ngạn không chỉ được hệ thống siêu thị Big C Hà Nội tiêu thụ mà Big C còn tổ chức điểm bán vải thiều Lục Ngạn tại các tỉnh thành phía Bắc.
Người tiêu dùng chọn mua vải Lục Ngạn tại siêu thị Big C ngày 24/6. Ảnh: Hoài Nam |
Để đưa đặc sản vải thiều Lục Ngạn tới tay NTD, bên cạnh việc bày bán sản phẩm tại hệ thống siêu thị, hệ thống chợ truyền thống cũng tổ chức điểm tiêu thụ vải Lục Ngạn. Thông tin Sở Công Thương cho thấy, từ nay đến cuối tháng 6 các DN Hà Nội sẽ tiêu thụ cả 1.000 tấn vải cho người dân huyện Lục Ngạn. Cụ thể, lượng vải tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Big C miền Bắc sẽ tăng 30% so với năm trước (năm 2015 tiêu thụ 300 tấn), Hapro khoảng 100 tấn, tại chợ đầu mối phía Nam, chợ Long Biên sẽ tiêu thụ khoảng 500 - 600 tấn vải… Đại diện siêu thị Big C cho biết, không chỉ tiêu thụ vải tại thị trường nội địa, ngay trong những ngày đầu tháng 6/2016 Big C đã xuất khẩu thành công hơn 1 tấn quả vải tươi sang thị trường Pháp. 35.000 - 45.000 đồng/kg dân không dám ăn Mặc dù DN đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều Lục Ngạn nhưng giá bán khá cao so với thị trường tự dó, điều đó cho thấy huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang nên tính toán lại giá cả sao cho hợp lý. Tại lễ khai mạc “Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội năm 2016” (tổ chức tại Big C ngày 24/6), Sở Công Thương Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã giới thiệu sản phẩm vải thiều tới người tiêu dùng (NTD) Thủ đô với giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Hạnh ở ngõ 166 đường Trần Duy Hưng và nhiều NTD có chung thắc mắc: Hiện tại chợ truyền thống, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) có giá bán chỉ khoảng 17.000 - 20.000 đồng/kg, vậy tại sao siêu thị lại bán đắt gần gấp đôi?. “Giá bán cao quá nên tôi chỉ dám mua 1 - 2kg ủng hộ bà con nông dân huyện Lục Ngạn tiêu thụ sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Hạnh bày tỏ. Đồng tình với ý kiến này bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (DN quản lý khai thác hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết: Những năm qua DN hỗ trợ người nông dân huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) tiêu thụ vải đạt tiêu chuẩn VietGAP với số lượng lớn nhưng giá bán cũng không cao như vải Lục Ngạn. Năm nay ngay từ đầu vụ vải hệ thống siêu thị Fivimart đã bày bán vải Thanh Hà với giá 28.000 đồng/kg, rẻ hơn vải Lục Ngạn từ 7.000 đồng/kg nhưng NTD kêu đắt nên sức tiêu thụ không như mong muốn. “Vải Thanh Hà rẻ hơn vải Lục Ngạn mà bán còn khó thì việc tiêu thụ vải Lục Ngạn còn khó hơn nhiều”, bà Vũ Thị Hậu khẳng định. Trả lời thắc mắc của NTD về vấn đề này, đại diện huyện Lục Ngạn cho biết: Vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên giá cao là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên thông tin từ các đại lý thu mua vải thiều tại huyện Lục Ngạn cho thấy: đang vào giữa mùa thu hoạch nên giá vải loại ngon, quả to chín đều, bụng dài có giá từ 20.000-25.000 đồng/kg. Vải loại thường, quả to không đều chỉ 17.000 - 20.000 đồng/kg…những sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Để có thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi phải quan tâm việc nhận diện thương hiệu vải Lục Ngạn trên thị trường, thế nhưng hoạt động này chưa được DN Bắc Giang chú trọng. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết: Cuối tháng 6 là thời điểm mùa vải rộ, từ chợ, siêu thị đều ngập tràn người bán, nên rất khó để NTD nhận biết đâu là vải sạch, trồng đúng tiêu chuẩn VietGap. Thế nhưng hiện vải Lục Ngạn bày bán tại hệ thống siêu thị chỉ được buộc từng túm như thị trường tự do. Những phản ánh, ý kiến của người dân, DN cho thấy trong quá trình tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, cơ quan quản lý và DN cung ứng hàng hóa tỉnh Bắc Giang nên có giải pháp giảm giá sản phẩm. Đồng thời trong quá trình lưu thông hàng hóa, quả vải phải được đóng gói bao bì, nhãn mác, đầy đủ các thông tin nguồn gốc, xuất xứ, qua đó đảm bảo quyền lợi NTD.