Hà Nội hỗ trợ Hải Dương tiêu thụ vải thiều

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/6, tại Hội nghị kết nối giao thương hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, các loại trái...

Kinhtedothi - Ngày 5/6, tại Hội nghị kết nối giao thương hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, các loại trái cây và các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, đại diện nhiều DN Hà Nội cho rằng, để hoạt động tiêu thụ đạt hiệu quả cao nhất, ngành công thương Hà Nội, Hải Dương cần hỗ trợ DN trong việc đảm bảo nguồn hàng, giá cả ổn định, sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Cho phép bán hàng trên một số tuyến phố

Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, dự kiến trong năm 2015, sản lượng vải tươi của tỉnh đạt 50.000 tấn. Tại hội nghị, bà Mai Khuê Anh - Giám đốc điều hành Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Khoảng ngày 12/6, khi vải thiều vào chính vụ, thì ngày 15/6 Hapro sẽ tổ chức sự kiện công bố bán trên toàn bộ các điểm kinh doanh của Hapro tại Hà Nội... Nhằm đưa vải thiều Hải Dương tới tay người tiêu dùng, Hapro sẽ tổ chức bán buôn tại chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Bắc Thăng Long, chợ Bưởi... Chi nhánh phía Nam của Hapro cũng đã đăng ký mua số lượng vải lớn để tiêu thụ tại các thị trường TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Phước, Bình Dương... Đặc biệt tại thị trường Hà Nội, Hapro sẽ tổ chức 100 điểm bán lẻ. 
Doanh nghiệp Hà Nội - Hải Dương bàn cách tiêu thụ vải tại hội nghị.	 Anh: Hoài Nam
Doanh nghiệp Hà Nội - Hải Dương bàn cách tiêu thụ vải tại hội nghị. Anh: Hoài Nam
Ngoài ra, hầu hết các siêu thị, hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cũng cam kết tiêu thụ vải cho tỉnh Hải Dương trong mùa vải 2015. Đại diện hệ thống chợ đầu mối nông sản, thực phẩm cam kết: Trong các niên vụ vải trước, lượng vải lưu chuyển, tiêu thụ tại chợ Đền Lừ là 200 tấn (trong đó vải Thanh Hà là 60 tấn); Chợ Long Biên là 420 tấn (vải Thanh Hà chiếm 126 tấn). Mùa vải  2015 chợ đầu mối hoa quả Long Biên và Đền Lừ tiếp tục là nơi phát luồng tới các chợ trên địa bàn các quận, huyện, thị xã trên địa bàn  TP. Ngoài ra, các hệ thống siêu thị Metro, Co.op mart, Fivimart… cũng sẽ tiêu thụ số lượng không nhỏ vải Thanh Hà (Hải Dương). Đại diện siêu thị Co.op mart cho biết, năm 2015 Co.op mart đã có kế hoạch tiêu thụ trên 1.000 tấn vải.

Tăng cường hỗ trợ DN

Mặc dù DN đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân tiêu thụ vải nhưng người sản xuất và tỉnh Hải Dương nên hỗ trợ DN trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, giá cả ổn định. Bà Mai Khuê Anh kiến nghị: Hiện giá bán vải đang được cập nhật theo ngày nên Hapro chưa thể chốt con số cụ thể cho các đầu mối tiêu thụ. "Tại vùng trồng, giá chênh lệch nhau từ 7.000 - 12.000 đồng/kg. Do vậy, tỉnh Hải Dương cần có giải pháp để giá bán tại các vườn phải đồng nhất. Ngoài ra, ngành công thương Hà Nội nên tạo điều kiện mặt bằng, qua đó tạo điều kiện cho DN đưa mặt hàng vải tới tay người tiêu dùng.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng giám đốc Siêu thị Big C bày tỏ: Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ vải tại thị trường nội địa, Big C sẽ vận chuyển một số lượng vải đáng kể sang trung tâm mua bán của DN tại Pháp. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi tỉnh Hải Dương cần quan tâm hơn nữa việc nhận diện thương hiệu vải Thanh Hà trên thị trường.

Ông Dũng cũng cho rằng, khi mùa vải rộ, từ chợ, trung tâm thương mại đến mọi đường phố đều ngập tràn người bán, nên rất khó để người tiêu dùng nhận biết đâu là vải sạch, trồng đúng tiêu chuẩn VietGap. Vì vậy, vùng trồng vải cần đầu tư bao bì, tem nhãn chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, qua đó hỗ trợ DN tiêu thụ vải.

Trước kiến nghị của các DN, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng khẳng định, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà đã được 2 địa phương lên kế hoạch, trong đó mở thêm kênh phân phối mới là các điểm bán lưu động trên toàn TP. Các phường, xã, ban quản lý chợ sẽ bố trí các khoảng đất trống, thậm chí tại những khu vực đông dân cư, một số điểm trên vỉa hè cũng có thể được chọn để DN, thương lái kinh doanh vải thiều của tỉnh Hải Dương đưa xe về bán trực tiếp. "Quy trình vận hành, danh sách các DN đăng ký tham gia chúng tôi đã hoàn thành. Khi các đơn vị từ Hải Dương đưa hàng lên chỉ cần thông báo bằng tin nhắn điện thoại về biển số xe, chủ xe… lực lượng chức năng Hà Nội sẽ cấp giấy phép để di chuyển đến điểm bán" - ông Lê Hồng Thăng khẳng định.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã có văn bản chỉ đạo Sở GTVT, Công an TP Hà Nội hỗ trợ tạo điều kiện trong việc tiêu thụ vải thiều không chỉ tại các TTTM, siêu thị, chợ mà còn các cửa hàng kinh doanh đường phố trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Đảm bảo chất lượng - tăng cường xúc tiến tiêu thụ
Nhu cầu của người tiêu dùng Hà Nội đối với quả vải nói riêng và các sản phẩm đặc thù là rất lớn song vẫn phụ thuộc vào các kênh mua bán chợ truyền thống, chợ cóc ven đường. Các khâu bán hàng qua nhiều trung gian nên giá tăng và chất lượng không đảm bảo. Hiện quả vải đã được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc tuy nhiên thị trường nội địa sẽ tiêu thụ khoảng 40%. Vì vậy đề nghị tỉnh Hải Dương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ngoài những thị trường truyền thống nên đẩy mạnh khai thác thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, hoạt động này không nên tiến hành theo kỳ cuộc mà tổ chức dài hạn và đảm bảo chất lượng sản phẩm để ổn định thị trường.