KTĐT - Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, vụ đông xuân năm 2009-2010, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, dòng chảy các sông suối thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-30%, mực nước sông Hồng tại Hà Nội có thể chỉ ở mức +0,8m, tình trạng hạn hán có khả năng nghiêm trọng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Giám đốc các doanh nghiệp thủy lợi chủ động xây dựng phương án chống hạn trên địa bàn thuộc địa phương mình quản lý. Theo đó, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, chủ động trữ nước sớm ở các sông, suối, hồ chưa, ao đầm, vùng trũng và các công trình thủy lợi; quản lý chặt chẽ và sử dụng tiết kiệm nước, đặc biệt là lượng nước ở các hồ chứa.
Chủ tịch UBND cũng yêu cầu các địa phương chủ động vận hành các công trình lấy nước tưới, vận hành tối đa các máy bơm của các trạm bơm ven sông Đà, sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đuống nhằm khai thác triệt để nguồn nước sông Hồng khi các hồ thủy điện xả nước phục vụ sản xuất để vừa chống hạn cho hệ thống thủy lợi, vừa bổ sung nguồn nước vào các sông Tích, Đáy, Nhuệ.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, đối với các vùng trồng lúa nước nếu thấy không đảm bảo đủ nước tưới suốt vụ thì lãnh đạ địa phương đó phải kiên quyết chỉ đạo chuyển sang cây trồng cạn sử dụng ít nước.
Đối với các vùng cao, vùng khó khăn thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu phải chủ động xây dựng phương án và giải pháp cấp nước, không để xảy ra thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Để đảm bảo điện phục vụ thủy lợi, Chủ tịch thành phố yêu cầu Công ty điện lực thành phố chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị xây dựng phương án cấp điện hợp lý, ưu tiên đảm bảo nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tưới hiện có và trạm bơm dã chiến, đặc biệt là các trạm bơm đầu mối như Sơn Đà, Trung Hà (Ba Vì), Phù Sa (Sơn Tây), Đan Hòai (Đan Phượng), Hồng Vân (Thường Tín), La Khê (Hà Đông); Thanh Điềm (Mê Linh), Ấp Bắc (Đông Anh)…