Trước mắt, từ nay đến năm 2020 , Hà Nội tập trung bảo tồn và khôi phục 10 làng nghề gồm tết thao Triều Khúc, sơn mài Đông Mỹ (Thanh Trì); giấy dó Vân Canh, tranh sơn mài Kim Hoàng (Hoài Đức); dệt the La Khê (Hà Đông); gốm Phú Sơn (Sơn Tây); đúc đồng Ngũ Xã, giấy dó Bưởi (Ba Đình); dâu tằm tơ Thụy An (Ba Vì), Đẹp Thôn (Mê Linh).
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp ở xã Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Những năm tiếp theo sẽ bảo tồn và khôi phục 11 làng nghề là nón lá Đại Áng (Thanh Trì); nhạc cụ Đào Xá (Ứng Hòa); dệt the, lụa Cổ Đô (Ba Vì); tre trúc Xuân Thủy (Sóc Sơn); giấy sắc Nghĩa Đô (Cầu Giấy); gốm Tô Hiệu (Thường Tín); dâu tằm tơ Tráng Việt, Đông Cao (Mê Linh); thêu ren Hạ Mỗ (Đan Phượng); dệt chồi, lượt Phùng Xá (Thạch Thất); nghề ren Bình Đà (Thanh Oai).
Những làng nghề này có truyền thống lâu đời nhưng không thích ứng được với sự thay đổi của thị trường do năng lực quản lý, khả năng áp dụng khoa học công nghệ...của những người làm nghề còn hạn chế.
Bên cạnh đó, các làng nghề hầu như không được sự đầu tư đúng mức của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng. Hiện, số người biết nghề, số hộ làm nghề còn rất ít.
Xác định các làng nghề truyền thống chính là tài sản văn hóa, cần thiết khôi phục và bảo tồn, Hà Nội sẽ tiến hành điều tra, khảo sát, xác định và xây dựng đề án để duy trì một vài hộ hoặc nhóm hộ nghề, các nghệ nhân đang hoạt động, tăng cường công tác sưu tầm, thu thập và bảo tồn tư liệu lưu trữ về làng nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng các phòng trưng bày, khu trình diễn nghề.
Thành phố khuyến khích thợ có tay nghề cao truyền nghề, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ.