Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, quan điểm chỉ đạo của UBND TP Hà Nội là nghiêm cấm việc vứt bỏ xác lợn chết ra ngoài môi trường. Địa phương nào để xảy ra tình trạng trên thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Thực tế, việc xác lợn chết vẫn có thể xuất hiện trên ao hồ, sông ngòi… Tuy nhiên, cần xác định xem lợn chết có phải là do bị trôi dạt từ địa phương khác, theo dòng chảy về Hà Nội hay không?
Cũng theo đại diện Sở NN&PTNT, ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, TP chủ trương hỗ trợ kịp thời cho các hộ chăn nuôi trong 5 - 7 ngày. Mức hỗ trợ cũng tương đương với giá thịt lợn bán ra ngoài thị trường. Do đó, khả năng có trường hợp người dân vứt xác lợn ra ngoài môi trường là rất hiếm.
Thông tin về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi tại cuộc giao ban, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi thuộc 346 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã. Tổng đàn lợn bị mắc bệnh, nghi mắc bệnh phải tiêu hủy là 120.782 con (chiếm gần 6,5% tổng đàn lợn toàn TP). Tổng trọng lượng lợn đã bị tiêu hủy lên tới 8.165 tấn.
Đáng chú ý, từ đầu tháng 5/2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng phát sinh mạnh và ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn. Đến nay, toàn TP có 23/7.760 hộ chăn nuôi có số lượng lợn bị tiêu huỷ từ 200 con trở lên. Trong đó, hộ có tổng đàn phải tiêu hủy lớn nhất là tại huyện Đông Anh với 629 con.
Để kiểm soát tiến tới khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, quyết liệt triển khai trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo UBND TP Hà Nội.
Chủ động bố trí điểm tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Huy động lực lượng tổ chức tiêu hủy triệt để lợn bệnh. Hỗ trợ kịp thời kinh phí cho người chăn nuôi. Đồng thời, hỗ trợ người chăn nuôi, các DN tiêu thụ sản phẩm thịt lợn và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.