Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Kỳ họp thứ tư HĐND TP Hà Nội khóa XV được khai mạc sáng nay (4/12), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong năm 2018, TP xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cũng như kế hoạch hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo.

Trong năm tới, TP sẽ đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội”. TP cũng sẽ thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018
Đồng thời, sẽ nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, thông tin, tuyên truyền, thông tin đối ngoại; đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc; triển khai đồng bộ các kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT; triển khai diện rộng số hóa dữ liệu, xây dựng và từng bước hình thành các điều kiện để phát triển TP thông minh.

Bên cạnh thực hiện tốt 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành giáo dục, TP sẽ tập trung vào đổi mới quản lý giáo dục, như về chương trình học, sách giáo khoa, nề nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, không có bạo lực học đường.

Song song với đó là xây dựng, thực hiện kế hoạch đầu tư trường học trong các khu vực đô thị hóa còn thiếu, quan tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia... TP cũng sẽ xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; phát triển y học gia đình; hệ thống sổ sức khỏe điện tử; nhân rộng ứng dụng CNTT trong quy trình khám bệnh và thanh toán BHYT, quản lý sức khỏe toàn dân và tầm soát ung thư.

Bên cạnh đó, TP xác định sẽ thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, nhất là đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, kế hoạch hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo; tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; nâng cao hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc làm...

Đánh giá kết quả phát triển văn hóa của Thủ đô trong năm nay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết: Các hoạt động, sự kiện chính trị, văn hóa được chuẩn bị chu đáo, tổ chức trang trọng, tiết kiệm, an toàn. Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ; công tác đầu tư nâng cao chất lượng được quan tâm, với việc có thêm 100 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ đạt 62,5%); Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về số lượng, chất lượng học sinh giỏi trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. TP cũng đã đưa khoảng 30 kỹ thuật, công nghệ mới vào chẩn đoán và điều trị; thiết lập hơn 859.000 hồ sơ điện tử phục vụ khám và theo dõi sức khỏe toàn dân...

Đáng chú ý, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, các chế độ, chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo được quan tâm kịp thời, đúng đối tượng. Trong năm, TP đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 8.211 nhà cho người có công với kinh phí 955 tỷ đồng. Triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo, đến nay, Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ước chỉ còn 1,77%. TP cũng đã hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho 152.000 người.