Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Hà Nội ước tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,6%). Trong đó, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng cao như: Sản xuất đồ uống tăng 24,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 18,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 9,9%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,8%...
Ở chiều ngược lại, IIP ngành sản xuất máy móc, thiết bị giảm 31,6%; in, sao chụp bản ghi giảm 9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 5,6%; dệt giảm 5%; thiết bị điện giảm 5%.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, cầu tiêu dùng bị cắt giảm, quy định sản phẩm xuất khẩu ngày càng khắt khe, nguyên liệu đầu vào khan hiếm... là những nguyên nhân chính khiến sản xuất của nhiều mặt hàng trong 6 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cũng khiến chỉ số tiêu thụ sản phẩm giảm 1,3% so với cùng kỳ và chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính đến ngày 30/6 tăng 16,9% so với cuối quý II/2022.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, được coi là yếu tố sống còn của doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng, năng suất lao động, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên vật liệu, tiết kiệm nhân công… Nhờ đó, sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực kinh doanh của doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, TP Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp phát triển dự án sử dụng nhiều nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước. Đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.
“TP Hà Nội tiếp tục triển khai các giải pháp cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng tỷ trọng đầu tư công nghệ. Hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu công nghệ cao (Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Khu công nghệ cao Hòa Lạc…) và tăng cường xúc tiến đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, các sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến" - bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết, nhờ áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã giữ được vị thế tiên phong trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trước khi thực hiện chuyển đổi số, doanh thu tăng trưởng từ 8% đến 10%/năm. Sau khi thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số, doanh thu công ty tăng trưởng tới 21%/năm.