Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội kiến nghị gỡ khó trong thực hiện chính sách ưu đãi, trọng dụng người có tài năng

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức (CBCC) và Luật Viên chức, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Bộ Nội vụ tổ chức sáng nay (14/10), Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà được sự phân công của Thành phố phát biểu tại điểm cầu Hà Nội đã phản ánh, kiến nghị tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho Hà Nội trong triển khai thực hiện các luật này.

Đáng chú ý, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho hay, đối với Luật CBCC trong điều 6 khoản 2 nêu Chính phủ sẽ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; Nghị định 140 năm 2017 cũng nêu chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Với nội dung này, Hà Nội qua quá trình thực hiện cho thấy còn một số nội dung còn vướng mắc, chưa rõ. Cụ thể, căn cứ Luật Thủ đô, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết riêng về chính sách thu hút trọng dụng nhân tài, song hiện nay đối chiếu với Nghị định 140 cho thấy có những nội dung khác biệt trong quy định. Đồng thời, với quy định của Luật CBCC cũng nêu Chính phủ có hướng dẫn rõ thực hiện nội dung này. Do đó, Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ có quan tâm sớm ban hành các văn bản quy định hướng dẫn về nội dung này để địa phương triển khai thực hiện, bởi đây là một vấn đề mới trong Luật CBCC.

 Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại điểm cầu Hà Nội

Cùng đó, bà Vũ Thu Hà nêu trong Nghị định 107 đối với các điều khoản chuyển tiếp, về quy định số lượng cấp phó tại các đơn vị, nếu các đơn vị sáp nhập tổ chức lại mà số cấp phó nhiều hơn quy định thì có lộ trình 3 năm để tiến hành sắp xếp. Tuy nhiên, chưa có quy định rõ với những đơn vị phòng không tổ chức sắp xếp lại nhưng số cấp phó hiện cũng đang lớn hơn so với quy định tại Nghị định 107. Vì vậy, Thành phố kiến nghị đối với các đơn vị này cũng cần bổ sung trong điều khoản chuyển tiếp là 3 năm để thực hiện bố trí sắp xếp cho phù hợp.

Ngoài ra, quy định tại Khoản 5 Điều 1 của Nghị định 107 nêu địa phương phải đáp ứng cả 3 tiêu chí thì mới được thành lập Ban Dân tộc, trong đó Nghị định 24 trước đây quy định chỉ cần đáp ứng 2/3 tiêu chí thì sẽ được thành lập. Đối với Hà Nội không đáp ứng được tiêu chí “biên giới có đồng bào dân tộc thiểu số và nước láng giềng thường xuyên qua lại”, nhưng thực tế Thành phố đáp ứng được các tiêu chí khác, đồng thời Ban Dân tộc là một cơ quan chuyên môn thuộc Thành phố hoạt động hết sức cần thiết và hiệu quả. Vì vậy, Hà Nội mong được hướng dẫn về việc thành lập Ban Dân tộc theo quy định tại Nghị định 107 có điều chỉnh so với Nghị định 24 trước đây mà Hà Nội đang gặp vướng mắc.