Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội lấy ý kiến Văn phòng T.Ư Đảng, Hội đồng lý luận T.Ư vào Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của Văn phòng T.Ư Đảng, các ban đảng T.Ư và Hội đồng lý luận T.Ư vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ - Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Trưởng Tiểu ban - Trưởng ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong - Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn.
 Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.
Dự kiến trình Bộ Chính trị vào 9/2020
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, đến nay tất cả 100% các chi bộ, tổ chức Đảng trực thuộc đều tổ chức thành công Đại hội và hết tháng 7/2020 sẽ có 34 Đảng bộ cấp trên cơ sở, Đảng bộ tương đương sẽ tổ chức xong. Hà Nội phấn đấu đến 15/8 sẽ tổ chức xong để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP. Đến 9/2020, Thành ủy Hà Nội sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị để trình Đại hội vào cuối tháng 10/2020.
Bí thư Thành ủy cũng cho biết, quy trình xây dựng văn kiện rất công phu. Thành phố đã phối hợp với Hội đồng lý luận T.Ư triển khai đề án nghiên cứu khoa học và đến nay đã nghiệm thu để làm cơ sở dữ liệu để xây dựng văn kiện. Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã thông qua 2 lần và hôm nay là phiên bản thứ 4. Trước đó, phiên bản thứ 3 đã qua 3 vòng với việc tổ chức 7 hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo TP qua các thời kỳ; các bộ ngành T.Ư; văn nghệ sỹ trí thức, tôn giáo; đăng tải trên các cơ quan truyền thông của TP để lấy ý kiến Nhân dân để sau đó Tiểu ban Văn kiện sẽ tổng hợp và có chỉnh sửa.
Ngoài ra, thời gian quan, TP đã làm việc với một một số bộ, ngành rất quan trọng và tới đây sẽ làm việc với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó để có thêm dữ liệu cập nhật, bổ sung vào Văn kiện. Sau hội nghị lấy ý kiến hôm nay, TP sẽ còn cuộc lấy ý kiến với Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ. Sau các bước đó sẽ gút lại lần cuối cùng trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Bên cạnh đó, Dự thảo Báo cáo Chính trị sử dụng số liệu đến hết năm 2019 là con số thực và số liệu cập nhật đến 6/2020. Đến 9/2020, trước khi trình Bộ Chính trị, TP đã có số liệu quý III/2020 thì Tiểu ban Văn kiện sẽ cập nhật số liệu năm 2020.
 Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu đề dẫn tại hội nghị.
Hà Nội dự kiến xác định 3 khâu đột phá cho nhiệm kỳ tới
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã nêu rõ những vấn đề, nội dung chủ yếu xin ý kiến các đại biểu như: Chủ đề, phương châm Đại hội; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2015-2020; các bài học kinh nghiệm; phương hướng, mục tiêu, các nhóm chỉ tiêu; 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Thông tin rõ hơn về nội dung chính của Dự thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định phương hướng, mục tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 4 nhóm chỉ tiêu với 20 chỉ tiêu cụ thể, 3 khâu đột phá và 14 nhiệm vụ giải pháp của thành phố trong nhiệm kỳ mới 2020-2025. Trong đó, TP xác định ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thiết kế, xây dựng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. 
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Cùng với đó, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế đặc thù, vượt trội để xây dựng và phát triển Thủ đô.... 

Cần thể hiện rõ vai trò trung tâm của vùng, khu vực

Góp ý cho Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, Dự thảo Báo cáo Chính trị được xây dựng rất công phu và thực sự là kết tinh trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô, lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, các chuyên gia, nhà khoa học. Bản Dự thảo cũng cho thấy tầm vóc của Thủ đô, nhất là qua đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP.

 Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng góp ý tại Hội nghị

Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Hà Nội đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2025 vào nhóm tiệm cận thu nhập trung bình cao đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay các DN tư nhân của Hà Nội nhiều nhưng ít DN lớn mà vẫn chủ yếu là vừa và nhỏ, do đó, nhiệm kỳ tới, Hà Nội cần tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân để trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Hà Nội cần tập trung, quyết liệt hơn trong vấn đề phát triển hạ tầng đô thị, kết nối với các tỉnh trong vùng đi liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xử lý nghiêm các sai phạm. Đặc biệt, Hà Nội cần tạo chuyển biến trong di dời các trường đại học ra khỏi nội đô, nhất là triển khai 5 đô thị vệ tinh theo quy hoạch...

Đánh giá cao nội dung, bố cục của Dự thảo Báo cáo Chính trị, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Hà Nội đã khẳng định là một đầu tầu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Do vậy, Hà Nội cần tạo đột phá để thu hút, phát triển mạnh hơn công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực. Cùng với đó, Hà Nội cần bảo tồn, giữ bản sắc và những nét riêng có của khu vực đô thị lõi, kết hợp với phát triển đô thị vệ tinh để giảm tải cho khu vực nội đô. Ngoài ra, Hà Nội cần làm sâu sắc hơn nữa các giải pháp nhằm xây dựng TP trở thành mô hình kinh tế mẫu mực của cả nước. Trong đó, không chỉ tập trung thu hút các DN lớn về đầu tư mà Hà Nội phải có giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách để xây dựng cho được đội ngũ DN đẳng cấp quốc tế.

 Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Nguyễn Đắc Vinh góp ý tại hội nghị

Trong khi đó, Phó Ban Nội chính T.Ư Trần Quốc Cường cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng lực lượng đảm bảo an ninh trật tự cả về bộ máy, phương tiện để tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh. Đồng thời, trong lĩnh vực PCTN, Hà Nội cần chống “tham nhũng vặt” và mở rộng thêm ở khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, nhất là chống chuyển giá, thất thoát tài sản Nhà nước. Về phương hướng, tầm nhìn, Hà Nội nên bổ sung thêm các nội dung nhằm phát triển giao thông ở khu vực phía Nam TP. Trong đó, có thể tính đến cả việc xây dựng thêm một sân bay quốc tế để từ đó tạo ra sự phát triển đồng đều cho Thủ đô và củng cố, hình thành các tam giác kinh tế (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Hà Nội - Thanh Hóa - Hà Tĩnh).

Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, Hà Nội nên bổ sung các chỉ tiêu phát triển đúng theo “phom” của Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng cho bảo đảm tính thống nhất. Ngoài ra, TP nên hoàn thiện thêm phần nhiệm vụ - giải pháp theo hướng xác định rõ điểm nhấn và đâu là động lực tăng trưởng, phát triển của TP trong 5 năm tới.

Góp ý vào Dự thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Văn Thạo đề nghị, cần làm kỹ hơn phần dự báo tình hình, nhất là đánh giá chính xác những khó khăn, thách thức đặt ra trong 5 năm tới, nhất là trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Với yêu cầu làm sâu sắc hơn những sắc thái riêng của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư đề nghị, Hà Nội vẫn nên tập trung phát triển mạnh về công nghiệp và không nên giảm quá nhanh tỷ lệ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Đồng thời, tập trung phát triển dịch vụ chất lượng cao, nhất là dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tại hội nghị, đại diện các Ban Đảng T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư cũng góp ý Hà Nội cần thể hiện rõ nét hơn vai trò trung tâm của vùng và khu vực. Từ đó, xây dựng định hướng phát triển các lĩnh vực ưu tiên, nhất là về KHCN cũng như vai trò trung tâm, chủ đạo trong kết nối, phát triển khu vực, chuỗi cung ứng. 

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, Tiểu ban Văn kiện sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc với tinh thần cầu thị cao nhất từng ý kiến phát biểu trực tiếp và bằng văn bản của các đại biểu. Trên cơ sở đó sẽ bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Chính trị theo hướng cân đối hơn giữa phần đánh giá phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp. Mục tiêu đặt ra là để xây dựng bản Báo cáo Chính trị chính thức trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025 và xây dựng được chiến lược phát triển Thủ đô xứng tầm với vai trò, vị thế, trái tim của cả nước.