Liên kết yếu
Du khách nào từng đến ĐBSCL cũng ấn tượng khi được thưởng thức trái cây tại vườn, nghe đờn ca tài tử trên thuyền, hay trải nghiệm cuộc sống vùng sông nước… Nhưng sự tương đồng về lối sống, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương trong vùng vừa là thế mạnh tạo nên thương hiệu du lịch ĐBSCL, vừa là điểm yếu bởi các sản phẩm na ná nhau, gây nhàm chán cho du khách. Mặt khác, liên kết giữa các tỉnh ĐBSCL còn yếu; hệ thống giao thông thiếu đồng bộ, chắp vá; công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá lại chưa được đầu tư đúng mức nên hiệu quả chưa cao.
Ngay cả Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh cũng thừa nhận: “Làm trong ngành văn hóa - du lịch mấy chục năm mà cách đây 2 - 3 năm, tôi mới biết đến cái đẹp của vùng Tây Bắc, Đông Bắc. Mình là người quản lý mà còn như thế thì sao du khách đến được?”. Từ thực trạng đó, giới chuyên môn cho rằng, Năm Du lịch quốc gia 2016 này, “chủ nhà” phải tăng cường liên kết với các tỉnh, TP, vùng miền để cho ra những sản phẩm độc đáo nhằm phát triển bền vững.
Thực tế, các DN lữ hành vùng ĐBSCL đóng vai trò nối tour cho các DN lữ hành của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác. Trên 95% lượng khách đến Kiên Giang và các tỉnh vùng ĐBSCL chủ yếu do các DN của 2 trung tâm du lịch lớn nhất cả nước đưa tới. Sở dĩ như vậy là bởi 13 tỉnh ĐBSCL chỉ có vỏn vẹn 33 trong số 1.559 DN lữ hành quốc tế của cả nước (chiếm 2,1%). Số lượng DN ít, cơ quan quản lý lại chưa đầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến, nên nhiều năm nay, tiềm năng du lịch của ĐBSCL chưa phát huy xứng tầm.
Hợp tác cùng phát triển
Với vị thế là trung tâm du lịch lớn nhất miền Bắc, những năm qua, Hà Nội đã chủ động liên kết, hợp tác với các tỉnh ĐBSCL. Nhờ đó, mỗi năm, hàng chục ngàn lượt khách từ Hà Nội đã đến với ĐBSCL và ngược lại. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với tiềm năng của 2 bên. Bởi thế, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - ĐBSCL, Sở Du lịch Hà Nội vừa tổ chức chuyến khảo sát tại Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chuyến công tác nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý về lĩnh vực du lịch, đồng thời tạo điều kiện cho các DN du lịch của Thủ đô và các tỉnh, TP gặp gỡ, trao đổi thông tin, khảo sát điểm đến, xây dựng và kết nối tuyến du lịch giữa Hà Nội với các địa phương khác.
Sau chuyến làm việc của Sở Du lịch, bà Lâm Thị Diễm Trâm - Giám đốc Công ty Lữ hành Đảo Ngọc Tourist chia sẻ: “Tới đây, các công ty lữ hành ở Phú Quốc sẽ thiết kế một sản phẩm du lịch thật đặc sắc, sau đó nhờ các đối tác tại Hà Nội giới thiệu tới du khách Thủ đô”. Bên cạnh việc trao đổi thông tin về đặc điểm của thị trường để các địa phương xây dựng sản phẩm phù hợp nhằm thúc đẩy lượng khách qua lại giữa 2 miền Bắc - Nam, ông Hải còn cho rằng, thời gian tới, hai bên cần hợp tác chặt chẽ về nhiều mặt. Cụ thể là đẩy mạnh liên kết trong hoạt động xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch, hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư du lịch…
Với các hoạt động liên kết mang tính cụ thể và có chiều sâu, tin rằng hoạt động hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh, TP vùng ĐBSCL sẽ được nâng tầm cả về chất và lượng, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp không khói của từng địa phương cũng như cả nước.
Khách quốc tế du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Tâm
|