Kinhtedothi - Chính quyền TP Hà Nội sẽ luôn tạo những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các DN Nhật Bản trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch tại Hà Nội. Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tại buổi tọa đàm “Xúc tiến Đầu tư và Du lịch Việt - Nhật” diễn ra ngày 20/3.
Điểm đến của doanh nghiệp, du khách Nhật Bản
Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, Nhật Bản hiện đang xếp thứ 2 trong số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Còn theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang tiến hành cải cách, hội nhập theo chuẩn mực hiện đại, tiên tiến của thế giới. “Khi TPP có hiệu lực, Nhật Bản sẽ phải sắp xếp lại chiến lược chuỗi giá trị với Việt Nam. Vì lợi ích của mình, các DN Nhật Bản đang tái cấu trúc đầu tư vào Việt Nam, qua đó chắc chắn sẽ có làn sóng đầu tư mới”. Chủ tịch VCCI cũng đề nghị các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia giúp sức, hỗ trợ Hà Nội xây dựng chương trình thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho biết: Trong những năm gần đây, ngành du lịch Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch tới du khách Nhật Bản. Nhờ đó, năm 2015, ngành du lịch Việt Nam đón gần 672.000 khách du lịch Nhật Bản, trong đó Hà Nội đón gần 230.000 du khách. Các khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao của Hà Nội thu hút 320 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đầu tư lên đến gần 5 tỷ USD, trong đó các DN Nhật Bản có 152 dự án với số vốn đầu tư 2,8 tỷ USD.
Tiếp tục các chính sách kêu gọi DN Nhật Bản đầu tư, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành cải cách, lựa chọn những mô hình quản trị tốt nhất. “Việt Nam đang quyết tâm đạt được mục tiêu năm 2016 trở thành một trong 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất ASEAN. Mục tiêu xa hơn là trở thành một trong những môi trường kinh doanh tốt trong khu vực” - ông Phương khẳng định.
Đón làn sóng đầu tư mới
Các DN Nhật Bản tham dự buổi tọa đàm đều có chung ý kiến, hiện nay, Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tư hàng đầu vào Việt Nam, số lượng các dự án được cấp phép ngày càng tăng, thuộc nhiều lĩnh vực như xây dựng, bán lẻ, dịch vụ… Hiện có đến 70% DN Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đều có kế hoạch mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, ông Ando Kengo - Tổng Thư ký Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam nêu rõ, điều mà các DN, khách du lịch Nhật Bản mong muốn trong thời gian tới đó là TP Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. “Hiện có tình trạng khách du lịch Nhật Bản gặp khó khăn trong quá trình xin visa nhập cảnh trở lại Việt Nam sau khi rời Việt Nam đi du lịch một số nước khu vực Đông Nam Á. Điều này gây khó cho DN du lịch Nhật Bản trong việc tổ chức tour. Bên cạnh đó, các loại giấy phép, thủ tục về thuế trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa còn nhiều phức tạp” - ông Ando Kengo nêu ví dụ.
Trước những ý kiến của các DN Nhật Bản, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Hợp tác toàn diện với Nhật Bản là yếu tố được chú trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và công tác đối ngoại của TP Hà Nội. Hà Nội mong muốn phối hợp chặt chẽ và đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về đầu tư, thương mại, du lịch; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hiện đại gắn với phát triển bền vững… Hà Nội cũng chủ trương thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai chiều và đưa ra các chiến lược thu hút du khách từ Nhật Bản cũng như du khách Hà Nội đến với Nhật Bản. Do vậy, chính quyền TP Hà Nội sẽ luôn tạo những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các DN Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch. Các cơ quan chính quyền Hà Nội hiện đang chuyển hướng từ “hỗ trợ” sang “phục vụ” DN đầu tư. “Trong thời gian tới, đích thân Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP và sẽ đồng hành giải quyết những phát sinh vướng mắc của DN về thủ tục trong quá trình đầu tư. Chẳng hạn, chủ đầu tư KCN Thăng Long khiếu nại vấn đề thủ tục đầu tư mở rộng bãi đỗ xe, cây xăng mất 2 năm không được giải quyết, đích thân tôi xử lý những vướng mắc này trong 20 ngày. UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết KCN Thăng Long theo hướng cho phép KCN này được cung cấp xăng dầu và bãi đỗ xe phục vụ hoạt động của các DN tại đây” - Chủ tịch UBND TP nêu rõ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lắng nghe những ý kiến của DN Nhật Bản tại buổi tọa đàm. Ảnh: Hoài Nam
|
Thủ đô Hà Nội là một trong 2 trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, có sẵn mạng lưới cơ sở nghiên cứu với 86% tổng số các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước; đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật dồi dào và đầy đủ lĩnh vực chuyên môn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội đạt trên 30%, cao nhất trong cả nước và gấp hơn 2 lần so với mức trung bình chung của cả nước. Hà Nội cũng sở hữu thế mạnh về nguồn vốn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và sự trưởng thành của đội ngũ doanh nhân... Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng chọn là điểm đến đầu tư, hợp tác và kinh doanh thương mại trong các lĩnh vực mà TP Hà Nội đang cần cho sự phát triển.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Nguyễn Đức Chung
|
Hiện, Nhật Bản đang xếp thứ 2 trong số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Số dự án được cấp phép chiếm khoảng 30% bao gồm nhiều ngành nghề: Xây dựng, bán lẻ, dịch vụ... Nhiều công trình đã trở thành biểu tượng của mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam như Cầu Nhật Tân, Nhà ga quốc tế Nội Bài... Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ cố gắng tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam, thúc đẩy sự hợp tác tốt đẹp của hai nước.
Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Katsuro Nagai
|