Hà Nội: Mỗi Thành ủy viên phải dành ít nhất 1/3 thời gian đi cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân

Hải Thọ - Linh Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội chủ động bố trí, sắp xếp công việc, dành ít nhất 1/3 thời gian để đi cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của Nhân dân, qua đó giúp cơ sở kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Ngày 28/11, tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Thành ủy Hà Nội.
Tăng thời gian đi cơ sở nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân

Theo tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy, do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày tại hội nghị, dự thảo Quy chế làm việc của Thành ủy khóa XVII được kết cấu thành 5 chương, 32 điều. So với quy chế làm việc của Thành ủy khóa XVI, dự thảo Quy chế làm việc của Thành ủy khóa XVII bổ sung các điều, khoản quy định chi tiết hơn các nội dung về quan hệ công tác và nguyên tắc, chế độ làm việc; cập nhật, bổ sung, khắc phục những bất cập đã được chỉ ra; cụ thể hóa các nội dung, phạm vi thuộc thẩm quyền xem xét, cho chủ trương của Thành ủy theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền.

  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày tờ trình về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khóa XVII.

Đáng chú ý, dự thảo Quy chế đã bổ sung, tích hợp nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và chế độ làm việc của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách cơ sở, trong đó, nêu rõ các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố chủ động bố trí, sắp xếp công việc, dành ít nhất 1/3 thời gian để đi cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của Nhân dân, qua đó giúp cơ sở kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Đối với dự thảo chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày, dự kiến trong nhiệm kỳ này, Thành ủy tổ chức khoảng 26 hội nghị định kỳ và một số hội nghị chuyên đề; đồng thời, đề xuất 2 nội dung có tính cấp thiết, chiến lược cần ban hành nghị quyết chuyên đề trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là: nghị quyết về công tác cán bộ và nghị quyết một số vấn đề về phát triển văn hóa để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp.

  Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày Dự thảo Tờ trình xây dựng Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII

Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Thành ủy, do đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy trình bày tại hội nghị cho thấy, trong năm 2020, Thành ủy và các cấp ủy đảng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới phong cách lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát cơ sở. Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2020 “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp”. Trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Thành ủy đã lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, sáng tạo các giải pháp của Trung ương, Thành phố về phòng, chống dịch Covid-19, nhờ đó đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện và tiền đề quan trọng để Thành phố tiên phong trên mặt trận phục hồi, phát triển kinh tế.

Đặc biệt, Thành ủy đã lãnh đạo, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 155-KH/TU của Thành ủy về đại hội đảng các cấp. Trong đó, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức thành công rất tốt đẹp và đúng tiến độ đại hội của 17.118 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở; 2.310 tổ chức cơ sở đảng và 50 đảng bộ cấp trên cơ, tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, sớm hơn 10 ngày so với dự kiến.

Sau đại hội, Thành ủy đã chỉ đạo triển khai ngay các nhiệm vụ ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong đó, tổ chức hội nghị trực tuyến thông báo kết quả Đại hội; phân công nhiệm vụ các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các đảng bộ; xây dựng quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2021... Thành ủy cũng phân công nhiệm vụ Ban Chỉ đạo 10 chương trình công tác để tập trung xây dựng dự thảo, trình Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.

Đáng chú ý, mặc dù trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, song Thành ủy đã lãnh đạo và tổ chức trang trọng, an toàn, thiết thực các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước, như: các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội; các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9; kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm Ngày giải phóng Thủ đô... thông qua đó, góp phần khơi dậy niềm tự hào, vun đắp lòng yêu nước; khẳng định, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
 Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày báo cáo tại hội nghị

Các nội dung thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là công tác tuyên giáo, tổ chức xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát, dân vận, nội chính, văn phòng cấp ủy tiếp tục được triển khai đồng bộ, đạt kết quả toàn diện. Trong năm, toàn Thành phố đã củng cố 226/226 tổ chức cơ sở đảng (đạt 100%); rà soát và đưa vào danh sách theo dõi 83 tổ chức cơ sở đảng có khó khăn trong tổ chức đại hội, kết quả đã lãnh đạo, tổ chức thành công đại hội tại 83 tổ chức cơ sở đảng. Ngoài ra, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra đối với 1.282 tổ chức đảng và 360 đảng viên; giám sát đối với 766 tổ chức đảng và 184 đảng viên; Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 81 tổ chức đảng và 343 đảng viên...

Đề nghị xem xét bổ sung vào chương trình về giải quyết những khó khăn vướng mắc, để thu hút đầu tư

Thảo luận về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khóa XVII, Bí thư huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cho rằng Quy chế đã được soạn thảo công phu, khoa học, bổ sung những quy định mới của T.Ư, tổng kết thực tiễn, đồng thời gắn nhiệm vụ của Khóa XVII vào từng nội dung cụ thể theo tinh thần rõ việc, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm.

Bí thư huyện ủy Mê Linh đề xuất với Thành ủy xem xét hàng năm có các cuộc làm việc cụ thể của Ban Thường vụ Thành ủy với các đơn vị phụ trách đối với các nội dung nhiệm vụ cụ thể của địa phương. Từ đó, vừa tạo tiền để tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc tồn tại, đồng thời tạo mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên giữa các đơn vị của Thành phố với các địa phương.

Đánh giá về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính trị, Bí thư huyện ủy Thanh Oai Đinh Trường Thọ cho rằng năm qua TP dù gặp nhiều khó khăn thách thức, song với tinh thần chủ động, khoa học, sáng tạo, quyết liệt nên công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính trị đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, nổi bật là thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo duy trì, phát triển kinh tế - xã hội, được dư luận và đảng viên TP đánh giá cao. Nhờ đó, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, cao gấp 1,5 lần tăng trưởng của cả nước. Đặc biệt là sự chủ động của Thành ủy khi kịp thời nắm bắt những nơi còn gặp khó khăn, để chỉ đạo trước một bước, giúp Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở ở thành công tốt đẹp, đúng tiến độ đề ra.

 Bí thư huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng phát biểu thảo luận

Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP Nguyễn Doãn Hoàn, quy chế làm việc đã thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Thành ủy trên tất cả lĩnh vực kinh tế xã hội Thủ đô. Phân công trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các cơ sở rất chặt chẽ. Ngoài ra, phân công rõ trách nhiệm trong công tác đầu tư, gắn trách nhiệm của từng đồng chí đối với từng dự án của TP.

Đánh giá Chương trình toàn khóa của Thành ủy đã tập trung vào những nhiệm vụ cần thiết trong nhiệm kỳ tới, Bí thư huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh đề xuất Thành ủy xem xét bổ sung vào chương trình về giải quyết những khó khăn vướng mắc, để thu hút đầu tư, nhất là các dự án triển khai các khu công nghiệp phía Nam; kế hoạch tái cơ cấu lại nền nông nghiệp; các chính sách hỗ trợ với các huyện nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, có cơ chế chính sách đặc thù cho các huyện trục phía Nam, đảm bảo sự phát triển đồng đều, không để phía Nam thành vùng trũng phát triển.

Đối với công tác xây dựng Đảng, Bí thư huyện ủy Phú Xuyên đề xuất quan tâm đến phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, các làng nghề và các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Bởi hiện nay vẫn còn tình trạng già hóa đảng viên ở chi bộ nông thôn, các đảng viên trẻ bỏ sinh hoạt đảng để tập trung phát triển kinh tế…

Qua 8 ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đã cơ bản đánh giá cao quy trình xây dựng các văn bản đã trình bày là khoa học, thận trọng, dân chủ. Trân trọng tiếp thu các ý kiến đã nêu trong hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết sẽ nghiên cứu, chỉ đạo bổ sung làm rõ trong Quy chế làm việc, Chương trình toàn khóa và Tổng kết công tác xây dựng Đảng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần