Hà Nội: Năm 2016, tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt 8,5-9,0%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2016, với 83,7% đại biểu tán thành.

Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết (Ảnh: Phạm Hùng)
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết. Ảnh: Phạm Hùng
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Hà Nội trong năm 2016 là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2015. Thực hiện tốt an sinh, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế. Làm tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị và xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường quốc phòng, an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, thực hiện tốt bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường phòng, chống tham nhũng.

Trước khi thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2016, các đại biểu HĐND TP đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến đều thống nhất với báo cáo của UBND TP. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Xuân Diên (tổ Ứng Hòa) bày tỏ nhất trí cao với báo cáo tình hình phát triển KT-XH năm 2015, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp 2016. Kết quả năm 2015 cho thấy Hà Nội là Thành phố an bình, xứng đáng với những danh hiệu Hà Nội được trao tặng từ trước tới nay. Đặc biệt, vấn đề an ninh, chính trị, trật xã hội ở trung tâm đầu não quốc gia vốn nhạy cảm nhưng năm 2015 Hà Nội rất yên bình. 
ĐB Diên cũng cho rằng, nhìn chung, các sở, ban ngành rất cố gắng trong năm qua nên Hà Nội có được kết quả phát triển KT-XH khả quan. Tuy nhiên, lẽ ra trong báo cáo tình hình phát triển KT-XH năm 2015 phải có so sánh để nổi bật kết quả đã làm được.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ĐB Diên cho biết, môi trường của Hà Nội hiện nay có nhiều vấn đề như ô nhiễm từ làng nghề, từ cụm công nghiệp, hệ thống thoát nước... nhưng báo cáo của UBND TP chưa đưa ra giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, vấn đề kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm từ đầu vào đến đầu ra còn nhiều vấn đề, phức tạp, do vậy cần nhiều sự quan tâm và có giải pháp cụ thể hơn. 

ĐB Diên cũng cho rằng, Hà Nội là nơi có nhiều tiền năng du lịch nhưng đang bị lãng phí tiềm năng. Hà Nội có hơn 1.000 làng nghề, nhiều cảnh quan đẹp, khu di tích lịch sử nhưng chưa khai thác thành các địa điểm du lịch. Ông đề nghị có mục riêng phát triển du lịch, làm sao khách du lịch đến Hà Nội sẽ tha thiết ở lại nhiều ngày. Và phải có giải pháp cụ thể về công nghiệp sạch, kinh tế du lịch...
Trong khi đó, ĐB Đặng Đình An (tổ Hoàng Mai) nhấn mạnh đến vai trò của văn học nghệ thuật trong vấn đề phát triển Hà Nội. Tuy nhiên, các báo cáo chưa nói đến vai trò hoạt động của giới văn học nghệ thuật. Hiện nay, Hà Nội có hơn 3.000 văn nghệ sỹ các lĩnh vực hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh... 

ĐB An đề xuất lắp đặt hệ thống đồng hồ công cộng của Hà Nội. Hiện nay, chỉ có chiếc đồng hồ công cộng ở Bưu điện Hà Nội (khu vực Hồ Gươm) trong  khi đó ở các nước, đồng hồ công cộng có ở khắp nơi như nhà ga, bến xe, quảng trường, ngã tư đường phố. Nếu Hà Nội có hệ thống đồng hồ công cộng ở công sở, nơi công cộng... sẽ thuận tiện cho người dân.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông)
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, tổ Hà Đông. Ảnh Phạm Hùng
Thống nhất cao với báo cáo của UBND TP, tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Đình Dương (tổ Chương Mỹ) cử tri phản ánh nhiều về những công trình chậm tiến độ, dự án treo, đất bỏ hoang sau khi giao đất... Đây là những hạn chế trong 2015. Về nhiệm vụ năm 2016, đại biểu đề nghị báo cáo của UBND TP bổ sung nội dung “bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô”. Ngoài ra, cần đưa ra nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh các công trình trọng điểm.

Cũng thống nhất cao với
các báo cáo của UBND và HĐND, nhưng ĐB Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông) cho rằng, mặc dù UBND có báo cáo, theo Luật đất đai và Nghị quyết của Chính phủ, sẽ cấp giấy chứng nhận cho các hộ đủ điều kiện khi có yêu cầu. Nhưng để phục vụ cho quản lý nhà nước, mặc dù hiện nay không giao chỉ tiêu như những năm trước nhưng đề nghị dự thảo Nghị quyết đưa ra giải pháp về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2016
Về kinh tế: (1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): 8,5-9,0% (theo cách tính mới); (2) GRDP bình quân đầu người: 85-87 triệu đồng; (3) Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn: 11,0-12,0%; (4) Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu: 7,0-8,0%.

Về văn hóa - xã hội: (1) Giảm tỷ suất sinh thô so với năm trước 0,01‰; (2) Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước 0,1%; (3) Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng 0,2%; (4) Giảm tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn mới) so với năm trước: 1,3%; (5) Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; (6) Số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (chuẩn mới) tăng thêm là 17; (7) Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 75 trường; (8) Tỷ lệ hộ dân cư được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 85,7%; (9) Tỷ lệ làng (thôn) được công nhận danh hiệu “Làng (thôn) văn hóa” đạt 55%; (10) Tỷ lệ tổ dân phố (cụm dân cư, khối phố, khu phố) được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố phố (cụm dân cư, khối phố, khu phố) văn hóa” đạt 70%.

Về đô thị, môi trường: (1) Tỷ lệ dân số thành thị dùng nước sạch đạt 100%; (2) Tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước hợp vệ sinh dạt 100% trong đó nước sạch đạt 38%: (3) Tỷ lệ xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 22 xã: (4) Tỷ lệ rác thải sinh hoạt thu gom và vận chuyển trong ngày ở khu vực đô thị đạt 98%, khu vực nông thôn đạt 87%; (5) 100% các cụm công nghiệp xây dựng mới khi đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải, 50% các cụm công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lý nước thải.