Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nên rút ngắn thủ tục mua nhà ở xã hội

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND đã bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH) tới Sở TN&MT, Sở Tư pháp. Nhiều ý kiến cho rằng, TP Hà Nội nên rút ngắn quy trình thủ tục mua NƠXH bằng việc bãi bỏ quy định này.

Vướng mắc về thủ tục
Số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2019 trên địa bàn Thủ đô chỉ có thêm 3 dự án NƠXH được hoàn thành, tương đương với 170.861m2 sàn nhà ở. Từ đầu năm 2020 đến nay các dự án NƠXH đang bị đình trệ do kỳ nghỉ Tết kéo dài, tiếp theo đó là ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Trong khi đó, dự kiến nhu cầu về NƠXH trên địa bàn TP đến năm 2020 khoảng 110.000 căn, việc thiếu nguồn cung dẫn đến giá bán tại một số dự án NƠXH tăng lên.
Khảo sát thực tế tại dự án NƠXH IEC (Tứ Hiệp, Thanh Trì) giá bán một căn hộ diện tích 70m2 là 1,12 tỷ đồng, tương đương với 16 triệu đồng/m2. Một số dự án khác có mức từ 17 - 19 triệu đồng/m2, mức giá này được đánh giá là tương đối cao so với mặt bằng của NƠXH.
Quy trình thủ tục mua NƠXH cần được rút ngắn (Ảnh: Doãn Thành).
Theo KTS Trần Tuấn Anh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thời gian gần đây mức giá bán NƠXH tăng cao do những vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép dự án. Theo đó, để một dự án NƠXH đi vào triển khai thì cần khoảng thời gian từ 3 - 4 năm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục.
“Việc thời gian làm thủ tục kéo dài dẫn đến việc chủ đầu tư tăng giá bán để bù lấp chi phí. Cùng với đó là việc cơ quan chức năng không khống chế giá bán mà chỉ khống chế lợi nhuận của chủ đầu tư các dự án NƠXH không vượt quá 10%, nên mức giá bán tăng bao nhiêu là tùy thuộc vào hạch toán lợi nhuận của chủ đầu tư” - ông Tuấn Anh nhìn nhận.
Cần rút ngắn quy trình
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) Nguyễn Trần Nam cho biết, liên quan đến thủ tục mua bán NƠXH trên địa bàn TP Hà Nội, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, chủ đầu tư dự án NƠXH cần “Gửi danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua NƠXH đến Sở TN&MT, Sở Tư pháp để thực hiện rà soát nhà và tài sản của các đối tượng trước khi thực hiện ký hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua NƠXH...
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 20 Nghị định 100/2015/NĐ-CP: “Chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH có trách nhiệm gửi danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua NƠXH theo thứ tự ưu tiên (trên cơ sở chấm điểm theo nguyên tắc quy định tại Điều 23 của Nghị định này) về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiểm tra nhằm loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần…”.
So với quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, quy định tại Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND đã bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua NƠXH tới Sở TN&MT, Sở Tư pháp.
“VNREA kiến nghị UBND TP Hà Nội bỏ quy định này. Theo đó, chủ đầu tư chỉ gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua NƠXH đến Sở Xây dựng theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Nếu cần kiểm tra, thẩm định, trên cơ sở danh sách Chủ đầu tư đã gửi, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan để thực hiện” - ông Nam cho hay.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để thúc đẩy chương trình phát triển NƠXH, vai trò chủ động, tích cực, quyết tâm của từng địa phương trong cải cách thủ tục hành chính đối với DN xây dựng nhà ở, nhất là NƠXH rất quan trọng.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến vai trò của Bộ Xây dựng trong việc tham mưu, xây dựng thể chế, chính sách một cách kịp thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho DN.