Hà Nội nêu 6 nhóm kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị “Tổng kết 13 năm thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng và triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng của TP” do UBND TP Hà Nội tổ chức sáng 10/8, đại diện Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong thi hành Luật Thi đua Khen thưởng, từ đó nêu lên 6 nhóm kiến nghị cụ thể để sửa đổi, bổ sung Luật thời gian tới.

Trong đó, với nội dung công tác thi đua, TP Hà Nội cho rằng, quy định thi đua theo hướng để các tổ chức, cá nhân chủ động phát động và thực hiện các phong trào thi đua, tuy nhiên, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thực hiện phong trào thi đua. Không nhất thiết phải cụ thể hóa các hình thức và phạm vi thi đua, vì nên để các đơn vị sáng tạo trong tổ chức thi đua và có thể phong trào thi đua có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân quốc tế (quy định theo Luật bị bó hẹp phạm vi).

Nhóm thứ hai, đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP kiến nghị việc quy định xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải trên nguyên tắc thành tích đạt được trong một nhiệm vụ cụ thể hoặc trong cả quá trình, không lấy thành tích cộng dồn để xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và không coi chế độ, chính sách là thành tích khen thưởng (như không nên quy định việc xét tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong Luật). Bên cạnh đó, để khuyến khích thi đua thì tập thể, cá nhân có thành tích đều cần được khen thưởng, nhằm tạo thống nhất trong khen thưởng, tránh chồng chéo trong xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, động viên kịp thời tập thể, cá nhân.

Thứ ba, Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP cho rằng, theo quy định của Luật, hồ sơ đề nghị khen thưởng được thống nhất từ T.Ư tới TP, nhưng điều này không cần thiết, nên sửa theo hướng thẩm quyền quyết định khen thưởng cấp nào thì cấp đó quy định, và Luật chỉ quy định hồ sơ khen thưởng cấp Nhà nước. Về hồ sơ khen thưởng cấp Nhà nước nên phân làm 2 loại: Khen thưởng do tập thể, cá nhân có thành tích đề nghị; và khen thưởng do cơ quan tổ chức phát hiện, đề nghị.

Thứ tư, với vấn đề phân cấp quản lý, hiện các lĩnh vực sản xuất kinh doanh như doanh nghiệp, y tế, giáo dục… đang được cổ phần hóa, vì vậy, Nhà nước không quản lý cán bộ, quỹ tiền lương. Do đó, việc tham gia thi đua và xét khen thưởng với đối tượng này gặp nhiều khó khăn, cần phải điều chỉnh Luật cho phù hợp.

Nhóm kiến nghị thứ năm, về tổ chức bộ máy, theo quy định, Ban Thi đua Khen thưởng thuộc ngành nội vụ, trong khi Ban này là cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng, trực tiếp giúp việc Chủ tịch Hội đồng. Chính vì vậy, Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội cho rằng chưa thống nhất trong quản lý, nên đề nghị Luật quy định theo hướng gắn với các cơ quan điều hành để đảm bảo tính kịp thời.

Thứ sáu, về vấn đề về quỹ thi đua, khen thưởng và sử dụng quỹ, Hội đồng TP cho rằng, quỹ này được thành lập từ ngân sách Nhà nước và trích lập theo quy định hiện hành là chưa đủ điều kiện để thực hiện khen thưởng, chưa phù hợp điều kiện thực tiễn. Thực tế, nhiều đơn vị có khen nhưng không có thưởng (như các xã tặng danh hiệu Gia đình văn hóa nhưng không có tiền để thưởng). Vì vậy, TP kiến nghị giao quyền trích lập quỹ thi đua, khen thưởng cho các đơn vị chủ động, không khống chế tỷ lệ trích quỹ. Ngoài ra, quy định mức chi cũng cần sửa đổi đảm bảo “khen càng cao thì thưởng càng nhiều”.

Theo ông Phùng Minh Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng TP, những kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua Khen thưởng này được TP Hà Nội đưa ra nhằm mục tiêu phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, hướng các phong trào thi đua về cơ sở, người lao động và gắn trách nhiệm tổ chức các phong trào thi đua với cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đồng thời, để đảm bảo khen thưởng đúng người, đúng thành tích, kịp thời, tránh chồng chéo; giảm thiểu thủ tục hành chính trong xét khen thưởng...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần